Linh hoạt trong thực hiện và xử lý vấn đề thực tiễn đặt ra
Nghiên cứu, tiếp thu các nội dung đặt ra tại hội nghị, nhất là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng chí Thạch Văn Chung, Bí thư Huyện ủy Yên Dũng (Bắc Giang) bày tỏ tâm đắc, bởi những vấn đề Trung ương thảo luận cũng chính là những vấn đề đang đặt ra tại cơ sở. Đồng chí cho biết, ngay từ sau Đại hội đảng bộ các cấp, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tổ chức thực hiện sát yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây cũng là giai đoạn khó khăn khi Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn của cả nước. Đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đợt cao điểm quyết tâm phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19. Với sự nỗ lực, quyết tâm hành động cao, cùng toàn tỉnh Bắc Giang, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Yên Dũng đã được kiểm soát. Việc xử lý linh hoạt các tình huống đặt ra đem lại kết quả khả quan trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chín tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.105,76 tỷ đồng, đạt 83,2% dự toán, trong đó thu trên địa bàn 401,76 tỷ đồng, đạt 44,5% dự toán... Huyện đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ hơn 4.000 tấn dưa cho nông dân; tập trung hoàn thành cả chín tiêu chí huyện nông thôn mới, đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện Yên Dũng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
Quán triệt nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2022 theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do Covid-19 gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội. Đối chiếu, phân tích thuận lợi và khó khăn tại địa phương trong chín tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) Nguyễn Trọng Hán cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên giá tôm nguyên liệu và các mặt hàng thủy sản, hải sản khác giảm, lượng muối chưa tiêu thụ còn nhiều; công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm, một số công trình xây dựng chậm tiến độ… Tuy nhiên, đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển ổn định; tiến độ thực hiện một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt khá. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Trong chín tháng, huyện đã giải quyết việc làm cho 3.857 lao động, đạt 77,14% kế hoạch; cấp 26.438 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em mồ côi, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 60%. Phân công các đơn vị ngành huyện, trường học và đơn vị cấp xã đỡ đầu 140 hộ nghèo, 340 hộ cận nghèo. Thực hiện điều tra, xét duyệt và chi hỗ trợ 17.909 các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, số tiền hơn 29 tỷ 650 triệu đồng. Dự báo ba tháng cuối năm, huyện Đông Hải tiếp tục triển khai có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển ngành tôm phù hợp với quy hoạch của tỉnh, tạo động lực thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác đảng, sau khi về hưu đồng chí Lê Viết Ngụ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Buôn Hồ, tiếp tục đảm nhiệm Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Búk (Đắk Lắk). Cùng các đảng viên, hội viên theo dõi Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, nhất là những vấn đề Tổng Bí thư nhấn mạnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao nhất Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng chí bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng nhiều vấn đề đột phá. Khẳng định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua hai nhiệm kỳ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn, đồng chí Lê Viết Ngụ cho rằng, khi Đảng đặt vấn đề và quyết liệt thực hiện đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn đánh giá rất cao. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII đã tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhận diện và đấu tranh với suy thoái, tiêu cực, đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ, đảng viên không còn đủ phẩm chất, đạo đức, tư cách. Thực tế, các đảng viên vi phạm phần lớn là người có chức, có quyền, người đứng đầu đơn vị, địa phương. Nếu sai phạm của họ không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ là mối nguy hại cho Đảng, cho đất nước, cho chế độ ta. Thông qua việc xử lý kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên vi phạm không có “vùng cấm”, không kể người đó là ai, làm cho nhân dân và các công bộc của dân hết sức phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái…
Đồng chí Lê Viết Ngụ cho biết, tại chi bộ, đảng bộ nơi đồng chí sinh hoạt, cấp ủy và người đứng đầu đơn vị thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái... Ngoài việc thực hiện Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết cấp ủy các cấp, luôn lấy việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Từ đó chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chi bộ, đảng bộ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, thực tế còn có những băn khoăn, đó là việc phát hiện và xử lý kỷ luật của Đảng có nơi còn chậm, nhiều tổ chức đảng nơi có đảng viên, cán bộ vi phạm không phát hiện, báo cáo kịp thời, phần lớn do báo chí và dư luận phản ánh mới vào cuộc. Có thể nói tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, thích thành tích, che giấu khuyết điểm, nói không đi đôi với làm… đây đó vẫn diễn ra. Việc thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt tỷ lệ thấp. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua có nơi, có lúc làm chưa kỹ, quá nhanh, dẫn đến có trường hợp cán bộ vừa được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí công tác hết sức quan trọng, nhưng sau một thời gian không lâu đã bị kỷ luật về Đảng, bị xử lý hình sự. Thực trạng đó đòi hỏi tiếp tục làm rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa về Quy định những điều đảng viên không được làm và xử lý quyết liệt khi đảng viên vi phạm.
Để bảo đảm nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam thì không thể lơ là nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với mỗi người dân, Đảng chính là những cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở, do đó, xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện từ cơ sở, tạo thế sâu rễ, bền gốc trong lòng nhân dân.