Thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

NDO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong dự án Luật Giá (sửa đổi), tuy nhiên đề nghị nghiên cứu đổi tên Điều 20 “Quỹ bình ổn giá” thành “Các biện pháp về bình ổn giá”, quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 15/3/2023. (Ảnh: DUY LINH)
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 15/3/2023. (Ảnh: DUY LINH)

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21, tháng 3/2023.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý thực tiễn, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến để xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đồng thời, rà soát để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như thống nhất với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong bình ổn giá, bảo đảm vận hành theo cơ chế thị trường có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của người yếu thế.

Về thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lý do đề nghị thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, đánh giá tác động ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp. Trong đó, nghiên cứu giữ như quy định hiện nay, Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong Luật, trong thời gian giữa 2 Kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Về tiêu chí bình ổn giá, đề nghị bổ sung tiêu chí giá hàng hóa, dịch vụ biến động lớn, có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu đổi tên Điều thành các biện pháp về bình ổn giá, quy định rộng hơn về các biện pháp bình ổn giá, tương thích với Luật Phòng thủ dân sự, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp và các luật về khắc phục sự cố, thảm họa.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập Quỹ.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật, tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với Quỹ.

Về định giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý, tách thành 2 nội dung về nguyên tắc định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí hợp lý, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bổ sung quy định phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí, có lãi và bảo đảm quy luật cung cầu, cạnh tranh của thị trường.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đề nghị rà soát kỹ, lấy ý kiến của các bộ, ngành trực tiếp quản lý, bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh danh mục (dự kiến loại bỏ, bổ sung), làm rõ thời điểm công bố định giá.

Liên quan đến kê khai giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối tượng kê khai giá chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã kê khai theo quy định pháp luật, bổ sung quy định về kiểm tra (hậu kiểm) của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề niêm yết giá cần nghiên cứu bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế.

Về giá tham chiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định thành 2 loại giá tham chiếu, gồm: (i) giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách quyết định mua sắm và làm căn cứ quy định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá và quyết định giá; (ii) giá tham chiếu do cơ quan có thẩm quyền công bố để tổ chức, cá nhân không sử dụng vốn ngân sách tham khảo trong quá trình xây dựng phương án giá, tự quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ và tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình.

Về thẩm định giá, đề nghị rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá, bảo đảm tương thích với quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá, nghiên cứu bổ sung điều kiện không được phép hành nghề thẩm định giá.

Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý quy định về doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá, bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, tương xứng giữa nghĩa vụ và trách nhiệm nhằm khuyến khích phát triển nghề thẩm định giá.