Giúp khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 7/11, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Qua rà soát cho thấy, trong số 72 điều luật thì có đến 13 điều giao Chính phủ quy định với nhiều nội dung quan trọng như danh mục hàng hóa bình ổn giá, trường hợp quyết định chủ trương bình ổn giá hàng hóa không thuộc danh mục bình ổn giá...
Theo đại biểu, khi quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết có vẻ như sẽ thuận lợi, linh hoạt nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, có vấn đề tự Chính phủ không thể quyết định được.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu trong phiên thảo luận ở Tổ 12. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu dẫn chứng trong quản lý giá xăng dầu, bình ổn giá thông qua điều hòa cung cầu, xuất nhập khẩu, tài chính tiền tệ… nhưng thực tế việc sử dụng Quỹ bình ổn giá này chưa thực sự linh hoạt.
Từ phân tích trên, đại biểu Huân đề nghị không nên quy định giao Chính phủ quy định về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá và giá tham chiếu, mà cần quy định cụ thể các nội dung này ngay trong Luật.
“Việc quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung-cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp” – đại biểu nhận định.
Ngoài ra, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”. Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp hằng tháng và thậm chí có thể họp bất thường nên đáp ứng được yêu cầu quyết định kịp thời.
Cũng từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều bộ, ngành cùng tham gia, đại biểu Huân đề nghị Luật cần có thêm cơ chế để việc dùng Quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt.
Quang cảnh phiên thảo luận ở Tổ 1 chiều 7/11. (Ảnh: DUY LINH) |
Làm rõ khái niệm “bất hợp lý”, “không phù hợp” trong tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ
Tham gia góp ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết tại Điểm c, Khoản 2 dự thảo Luật quy định những hành vi bị cấm, trong đó: “Cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với khi điều chỉnh giá”.
Liên quan nội dung này, đại biểu Hà lấy dẫn chứng từ thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể trong khi dịch bệnh bùng phát có thời điểm giá một số loại hàng hóa, trang thiết bị vật tư tiêu hao như: Kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm khẩu trang, thậm chí các trang thiết bị y tế đều tăng rất nhanh. Chỉ trong khoảng 2-3 tuần giá cả có thể tăng 5-7 lần do nhu cầu tăng đột biến; đồng thời, nguồn cung bị hạn chế do bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chấp nhận tạm thời vì đây là những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, đại biểu cho rằng trong nội dung điều khoản cần phải làm rõ khái niệm “bất hợp lý”, “không phù hợp”.
Bởi thực tế, một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi bán giá hàng hóa cao gấp giá nhập khẩu vài chục phần trăm. Điều này tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế Nhà nước khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu trong phiên thảo luận tổ. (Ảnh: DUY LINH) |
Thậm chí, cả bên cung ứng, bên bán cũng không muốn tham gia vào các giao dịch với các cơ sở y tế vào thời điểm dịch bệnh bùng phát do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận.
Chính vì vậy, đại biểu Hà đề nghị cần phải có quy định tại luật và phải được quy định tại Luật Giá để tránh sai sót trong quá trình mua sắm của các cơ sở y tế khi phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế thị trường, bên bán không cần thiết phải cung cấp cho bên mua toàn bộ tài liệu về giá vốn hay giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, bên bán phải chịu trách nhiệm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cơ quan điều tra khi để mức lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trần đã được quy định trong trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…
“Đây là nội dung rất quan trọng để tháo gỡ những khó khăn cho ngành y tế, cũng như một số lĩnh vực liên quan trong những điều kiện khủng hoảng, đặc biệt là trong dịch bệnh” – đại biểu Hà nhấn mạnh.