Hoàn thiện pháp luật làm cơ sở xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá

NDO - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá cũng như bảo vệ những người làm thẩm định giá.
0:00 / 0:00
0:00

Cần có một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều 11/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết thời gian qua, rất nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công.

Mặt khác, nhiều cơ quan, đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư, hàng hóa, điển hình như bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Trong khi đó, nhiều tài sản công của Nhà nước cũng không thể chuyển giao được cho khu vực tư, như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để các nhà đầu tư có thể đầu tư phát triển.

Hoàn thiện pháp luật làm cơ sở xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá ảnh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) góp ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Đại biểu Cường cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do pháp luật hiện nay chưa quy định chặt chẽ, cụ thể những căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; cũng như chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ những người làm định giá.

Do đó, đại biểu nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá. Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá.

“Khi chúng ta có một chương riêng quy định như vậy thì những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý tưởng của mình. Và khi người làm định giá đã sử dụng các căn cứ rồi thì dù thời gian trôi đi, cơ quan điều tra, kiểm tra vào có lật lại thì vẫn có cơ sở để bảo vệ hoạt động cho người làm định giá” – đại biểu Cường nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Cường, để có thể xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng để tạo ra cơ sở dữ liệu đầu vào cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang tham gia trên thị trường.

Đại biểu đề nghị hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Theo đó, hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, đại biểu Cường cũng đề nghị dự thảo Luật cần phân định rõ hơn các khái niệm định giá, thẩm định giá và quyết định giá.

Hoàn thiện pháp luật làm cơ sở xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá ảnh 2

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận chiều 11/11. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, kê khai giá cần tập trung vào một số giá cụ thể để bảo đảm hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn. Bộ trưởng nhấn mạnh, kê khai giá nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi để bảo đảm vấn đề quản lý nhà nước về giá, bảo đảm không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến này và tiếp tục nghiên cứu.

Đề xuất quy định cả giá tối đa và giá tối thiểu đối với sách giáo khoa

Liên quan đến giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết dự thảo Luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đại biểu, sách giáo khoa được biên soạn bằng ngân sách nhà nước, chẳng hạn như sách giáo khoa ngoại ngữ biên soạn theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia hoặc doanh nghiệp có hỗ trợ của ngân sách nhà nước về trụ sở, phương tiện làm việc, tài sản,… thì có lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân.

Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu Thúy đề nghị quy định khung giá cần bao gồm cả giá tối đa và giá tối thiểu. Quy định này cũng nhất quán với quy định tại khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu.

Hoàn thiện pháp luật làm cơ sở xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác dụng trực tiếp đến mọi người dân, cho nên cần kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này và cần sự điều tiết giá từ phía Nhà nước cho hợp lý.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng cần đến yếu tố thị trường của các nhà xuất bản cạnh tranh để sách giáo khoa có giá hợp lý nhất. Theo đó, Nhà nước quy định khung giá tối đa là hợp lý để các đơn vị phát hành sách tự định giá không cao hơn khung giá quy định của Nhà nước.

Tham gia giải trình, làm rõ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tư duy quản lý trước giờ luôn nghĩ đến việc làm sao để quy định mức giá không cao, nhưng lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp, khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng các biện pháp đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền.

“Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này” - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.