Với chủ đề “Giao lộ thời trang và kiến trúc”, ELLE Fashion Show 2023 sẽ diễn ra vào ngày 20/12 tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong không gian di sản kiến trúc, hơn 100 trang phục của bốn thương hiệu sẽ trình diễn trên sân khấu thời trang phi truyền thống với các ý tưởng thiết kế sáng tạo được chọn lọc từ 10 đơn vị uy tín trên khắp cả nước. Trình diễn vào khung giờ chiều thay vì buổi tối, Ban tổ chức muốn tận dụng các yếu tố tự nhiên và không gian độc đáo của Hội trường Thống Nhất để tạo nên dấu ấn riêng.
Cùng với đó, việc chủ động giảm tiêu thụ năng lượng cũng như lượng rác thải ra ngoài sau sự kiện với sân khấu được thiết kế trên tiêu chí hạn chế sử dụng các nguyên liệu thô cứng, hình khối, nguyên liệu làm hại đến môi trường. Yếu tố “phát triển bền vững” được ưu tiên thể hiện trong các bộ sưu tập của chương trình biểu diễn năm nay. Rõ nét nhất phải kể đến bộ sưu tập mang đậm tinh thần tái chế, nghệ thuật truyền thống đến từ nhà thiết kế trẻ Ngô Hoàng Kha.
Nhà thiết kế Trương Thanh Hải, Lưu Việt Anh cùng đại diện thương hiệu thời trang Peggy Hartanto từ Indonesia cũng mang đến nhiều thiết kế mới lạ trên tiêu chí thân thiện với môi trường. Chọn tông màu chủ đạo là Sweet Embrace-Hồng khói ấm, trong lần thứ hai tham gia chương trình, nhà sáng lập thương hiệu KHAAR tiếp tục phát huy thế mạnh với vải vụn ghép tạo thủ công và chất liệu tự nhiên như vải sợi dứa, vải gai dầu, lụa tơ tằm… “Chất liệu đặc trưng cho bộ sưu tập lần này là vải vụn tái chế do tôi thu thập từ nhiều nguồn, kết hợp với các kỹ thuật thủ công khác nhau như may chần, chắp nối, thêu, đan móc.
Ðó là sự thể nghiệm rất mới trên nền vải vụn tạo nên các sản phẩm thủ công độc bản. Tôi muốn gửi đi thông điệp phát triển bền vững của thời trang chậm bằng các chất liệu thân thiện, giảm áp lực lên môi trường. Mỗi thiết kế sẽ mang dấu ấn riêng, nơi các kỹ thuật truyền thống được lưu giữ với vải tái chế và vải có nguồn gốc thiên nhiên để mang đến góc nhìn thú vị cho người yêu thời trang”, nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha chia sẻ.
Hơn 10 năm thực hiện chương trình thời trang danh tiếng này, năm nay, lần đầu tiên ELLE Việt Nam phối hợp hai đối tác công nghệ là Phygital Labs và Fomalia XR Studio. Trong bộ sưu tập của Ngô Hoàng Kha, công nghệ của Fomalia sẽ mang đến trải nghiệm thực tế ảo AR cho những họa tiết đặc trưng trên từng sản phẩm trình diễn. Không chỉ thưởng thức tại sân khấu, người xem có thể dùng điện thoại hoặc thiết bị thông minh để tận hưởng sự độc đáo từ các hiệu ứng mới lạ được tạo nên bởi công nghệ.
Phygital Labs thì mang đến trải nghiệm vật lý số cho người xem bằng công nghệ định danh số Nomion, giúp chứng thực tài sản sáng tạo của các phương án sàn diễn runway bằng ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID). Bên cạnh việc thay đổi trải nghiệm cho người xem, công nghệ từ công ty này còn giúp lưu trữ những sản phẩm sáng tạo của các nhà thiết kế, các kiến trúc sư trên thư viện số để ai cũng có thể tìm hiểu sâu hơn từng sản phẩm qua một đường dẫn trên không gian số.
Theo ông Nam Ðỗ, Giám đốc công nghệ, đồng sáng lập Phygital Labs, muốn định danh sản phẩm, một chíp thông minh sẽ được gắn vào từng thiết kế trưng bày của các đơn vị thiết kế. Chíp định danh này thể hiện rõ công sức sáng tạo của đơn vị thực hiện chứ không dừng lại ở mức chụp hình, sao chép mẫu để trình chiếu phục vụ người xem trên nền tảng số. Sau khi sự kiện kết thúc, các thiết kế vẫn sẽ được hỗ trợ lưu trữ, trưng bày lâu dài trên không gian số thông qua một thư viện số có hình ảnh, âm thanh sống động và thông tin chi tiết, giúp lan tỏa câu chuyện sáng tạo đi xa hơn.
Giám đốc điều hành ELLE Fashion Show 2023 Nguyễn Phan Thùy Dương cho rằng: Việc mạnh tay ứng dụng công nghệ số là yếu tố bền vững rất lớn mà Ban tổ chức nỗ lực thực hiện. Thực tế, để dựng ra một triển lãm xem trực tiếp cần rất nhiều vật liệu, ít nhiều đều gây nên những tác động không mong muốn đến môi trường. Việc tận dụng thế mạnh của công nghệ giúp Ban tổ chức truyền tải đầy đủ các thông điệp, những sản phẩm sáng tạo đến những người yêu thích thời trang mà không cần tập trung quá đông người, sử dụng quá nhiều vật liệu, năng lượng. Dữ liệu khi đưa lên nền tảng số cũng được lưu trữ lâu hơn, dễ chia sẻ đến cộng đồng hơn.