Thông cáo báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc

NDO - Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25 đến ngày 28/6. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Thông cáo báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 6 năm 2023.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường; lần lượt có các cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Trong không khí hữu nghị, chân thành, tin cậy, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong tình hình mới và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi khảo sát Khu mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).

2. Hai bên nhất trí cho rằng, hiện nay quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc phát triển tốt đẹp, hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước thu được thành quả thiết thực.

Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, duy trì chặt chẽ giao lưu cấp cao, tăng cường giao lưu kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau trong tiến trình sự nghiệp thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước và tìm tòi hiện đại hóa mang đặc sắc của mỗi nước. Phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, làm sâu sắc giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như ngoại giao, quốc phòng, thực thi pháp luật, kinh tế thương mại, nhân văn.

3. Hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, đều nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân, sự giàu mạnh của đất nước, nỗ lực cho sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu do Trung Quốc đưa ra, hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các biện pháp cụ thể.

4. Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; bảo đảm thông suốt cửa khẩu biên giới, đẩy nhanh việc nâng cấp mở cửa và kết nối cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thúc đẩy hợp tác cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thực hiện phát triển hài hòa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhà nước, tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt. Phía Việt Nam sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam.

5. Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh khu biên giới; tăng cường giáo dục về tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc cho nhân dân hai nước đặc biệt là thế hệ trẻ; tổ chức tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị như Gặp gỡ Hữu nghị thanh niên Việt-Trung, Liên hoan Nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung.

6. Hai bên sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung quan trọng liên quan đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

7. Phía Việt Nam nhất quán kiên định chính sách “một Trung Quốc”, tái khẳng định Đài Loan là bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động chia rẽ đòi “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức; không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.

8. Hai bên chủ trương các nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau triển khai giao lưu, hợp tác về vấn đề nhân quyền, thúc đẩy tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế trong vấn đề nhân quyền, kiên quyết phản đối chính trị hóa vấn đề nhân quyền.

9. Hai bên đồng ý kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chính, cùng bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, tăng cường phối hợp trong các vấn đề lớn và quan trọng của quốc tế, khu vực; tiếp tục tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN-Trung Quốc, Mê Công-Lan Thương. Thực hiện tốt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định.

10. Trong thời gian chuyến thăm, hai Thủ tướng đã chứng kiến việc ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giám sát thị trường, cửa khẩu thông minh, lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển…

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thành công tốt đẹp, làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp hữu nghị, nhiệt tình của phía Trung Quốc, trân trọng mời Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam. Thủ tướng Lý Cường vui vẻ nhận lời.

Bắc Kinh, ngày 29 tháng 6 năm 2023