Hai bệnh nhân nam nhồi máu cơ tim đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, nhịp tim và huyết áp giảm, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ Cấp cứu phối hợp cùng ê-kíp can thiệp tim mạch tiến hành sơ cứu kịp thời. Sau đó nhanh chóng tiến hành chụp động mạch vành (mạch máu nuôi dưỡng trái tim) xác định nhánh mạch bị tắc nghẽn là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp.
Trong tình huống nguy hiểm đe dọa mạng sống, ngay lập tức 2 bệnh nhân được can thiệp khẩn cấp đặt stent tái thông động mạch vành tắc nghẽn. Nhờ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng do nhồi máu cơ tim gây ra. Sau điều trị, các bệnh nhân tỉnh táo, chức năng của tim phục hồi dần và xuất viện sau 2 đến 3 ngày.
Vài ngày sau khi can thiệp hai bệnh nhân trên, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu xuyên đêm cho trường hợp bệnh nhân nam (52 tuổi) được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới.
Theo Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh nhân có nhiều tổn thương phức tạp, huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch mũ, hẹp nặng lan tỏa động mạch vành trái và động mạch liên thất trước.
Khi tiếp nhận, người bệnh đau tim, tê tay, vã mồ hôi, huyết áp tụt. Sau đó, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, tím môi, ngừng tim, không bắt được mạch, cần cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức. Sau 20 phút tim đập trở lại, người bệnh có mạch, có huyết áp và được tiến hành đặt stent tái thông đoạn động mạch bị tắc.
Do tổn thương nặng, sau can thiệp, người bệnh được điều trị tích cực tại phòng hồi sức chuyên biệt với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Một tuần sau người bệnh được chăm sóc và tập phục hồi chức năng, ổn định xuất viện.
Bác sĩ Bạch Yến nhấn mạnh, thời tiết quá lạnh, hay quá nóng đều có thể tác động quá mức đến sự co giãn quá mức của hệ thống mạch máu, tăng huyết áp khiến gia tăng các biến chứng tim mạch.
Trong số đó, nhiều ca đột quỵ tại bệnh viện ghi nhận do bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp. Những người có yếu tố nguy cơ cao như người trên 60 tuổi, có rối loạn mỡ máu, có rối loạn lipid máu, tiền sử hút thuốc lá… dễ bị đột quỵ hơn khi thay đổi thời tiết.
"Tình trạng thời tiết cực đoan và thay đổi thất thường như thời gian gần đây là một yếu tố nguy cơ gây gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não, tim. Do đó, người dân cần chú ý bảo vệ cơ thể. Thời tiết quá lạnh cần giữ ấm. Trong thời tiết nắng nóng, nếu buộc phải ra ngoài trời cần mặc áo chống nắng, mũ rộng vành, tránh tiếp xúc trực tiếp kéo dài với ánh nắng gắt", bác sĩ Yến khuyến cáo.
Với người cao tuổi, cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây. Hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng.
Đột quỵ tim, não là nhóm bệnh nguy hiểm, có chuyển biến xấu nhanh. Do đó, trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường như khó nói, yếu liệt, rối loạn nhận thức, đau tức ngực, mệt mỏi… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có năng lực điều trị đột quỵ để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bạch Yến khuyến cáo, thời gian vàng đối với nhồi máu cơ tim là 1-2 tiếng kể từ khi có dấu hiệu khởi phát. Với đột quỵ não là 4,5 giờ. Đến càng sớm, điều trị càng hiệu quả, tránh biến chứng.