Bệnh nhân Trần Văn C. (70 tuổi, Hà Nội) có tiền sử phổi tắc nghẽn mãn tính 10 năm qua, thường xuyên ho, khó thở, phải ra vào viện. Gần 2 tuần qua khi thời tiết trở lạnh khiến ông suy hô hấp nặng, gia đình phải đưa vào viện cấp cứu.
Trong 10 ngày qua, ông phải nằm thở máy ở phòng cấp cứu. Sau khi tình trạng ổn định, các bác sĩ mới chuyển ông sang theo dõi tiếp tại khoa Bệnh phổi mãn tính.
"Bình thường sức khỏe ông yếu, khó thở nhưng chưa bao giờ nguy kịch như lần này", người nhà ông C. chia sẻ.
Đưa chồng vào viện, bà Hoàng Thanh H. cho biết, cách đây một tháng, chồng bà có biểu hiện khó thở, gia đình đưa đi cấp cứu từ Vân Đình ra thẳng một bệnh viện ở Hà Đông. Lúc này tình trạng suy hô hấp nguy kịch nên ông được mở nội khí quản và sau đó được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Phổi Trung ương. Một tháng qua, tình trạng của ông vẫn chưa cải thiện, vẫn phải thở máy.
Khoa Bệnh phổi mạn tính hiện có khoảng 15 bệnh nhân hỗ trợ máy, đa số còn lại phải thở oxy do suy hô hấp. |
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, trong khoảng gần 2 tuần qua khi thời tiết miền bắc chuyển lạnh sâu, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện đều tăng ở tất cả các khoa bệnh.
Riêng tại Khoa Bệnh phổi mãn tính, số lượng bệnh nhân liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường tới khám tăng rõ rệt.
"Nếu như trước đây, khoa điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng, thời gian này số lượng bệnh nhân tăng lên 130%, khoảng 250-280 người", bác sĩ Thành cho hay.
Thời tiết là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sâu. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi.
Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)… rất dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa.
Không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền.
Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ Thành, tại khoa bệnh phổi mạn tính, trường hợp nhẹ phải nhập viện cũng cần thở ô-xy, ca nặng phải thở máy. Đa số bệnh nhân hồi phục ra viện nhưng cũng có những bệnh nhân nặng phải đặt nội khí quản, thậm chí tử vong.
"Hiện tại khoa đang điều trị cho khoảng 55 bệnh nhân, trong đó có 15 bệnh nhân hỗ trợ máy, đa số còn lại phải thở ô-xy do suy hô hấp. Trên 25% bệnh nhân nặng và nguy kịch, đặc biệt thời điểm vừa qua số bệnh nhân nặng tăng”, bác sĩ Thành cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ thông tin. |
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo việc phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Cụ thể, đối với các trường hợp được chẩn đoán các bệnh lý nền cần phải quản lý bệnh tốt.
Người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, người cao tuổi thời điểm giao mùa cần phải ăn uống đầy đủ.
Đặc biệt, người cao tuổi thường thức dậy vào đêm không cẩn thận sẽ bị nhiễm lạnh, gây các nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Với trẻ nhỏ thời điểm đêm cũng cần chú ý tránh để trẻ nhiễm lạnh gây viêm phổi.
Cần tăng sức bảo vệ chủ động bằng cách tiêm phòng vaccine cúm nhắc lại hằng năm, tiêm phòng vi khuẩn phế cầu. Hai vaccine giúp này giảm nguy cơ mắc bệnh gây tổn thương phổi. Khi thời tiết lạnh sâu, người dân đi ra ngoài cần phải giữ ấm cơ thể như mặc ấm, đeo khẩu trang…
Bác sĩ Thành cũng cảnh báo tình trạng người dân sưởi ấm bằng củi và than trong nhà kín, nếu không cẩn thận phòng không thoáng khí có thể gặp nhiều nguy cơ ngộ độc khí carbon monoxide (CO). Tốt nhất, người dân nên sưởi ấm lò sưởi điện an toàn hơn bếp than.