Thời cơ mới cho thị trường chứng khoán

NDO -

Trong dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực cả về kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết.

(Ảnh minh hoạ: CAFEF.VN)
(Ảnh minh hoạ: CAFEF.VN)

Phục hồi ngoạn mục trong khó khăn dịch Covid-19

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh (cuối quý 1-2020, VN-Index giảm 33% so với cuối năm 2019).

Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch năm 2020 (31-12), TTCK Việt Nam đã có một năm tăng trưởng ấn tượng với chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24-3-2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm), tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019.

Chỉ số HNX-Index cũng đã có một năm tăng trưởng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch năm 2020, chỉ số HNX-Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý 1-2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019. TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á, nằm trong danh sách 10 TTCK có mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.

Thị trường cổ phiếu hiện có 1.665 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch với quy mô đạt gần 1.514 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2019.

Quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Nếu như tại thời điểm cuối quý 1-2020, vốn hóa thị trường cổ phiếu chỉ đạt 52% GDP năm 2019, kém xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra (đến năm 2020 đạt 70% GDP) thì đến nay, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.294 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối quý 1-2020 và tăng 20,8% so với cuối năm 2019, tương đương với 87,7% GDP năm 2019 và 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.

Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019.

Thị trường trái phiếu có 477 mã trái phiếu niêm yết (trong đó có 454 mã trái phiếu chính phủ và 23 mã trái phiếu doanh nghiệp) với giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2019 (tương đương 23% GDP). Thanh khoản trên thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân đạt trên 10.393 tỷ đồng/phiên, tăng 13% so với năm 2019.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng mạnh. Lũy kế tới hết tháng 12-2020, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 2,77 triệu tài khoản, tăng 16,7% so với cuối năm 2019.

Trên TTCK phái sinh, giao dịch của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 sôi động hơn, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh. Điều này thể hiện TTCK phái sinh đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Trong năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với cuối năm 2019. Tính tại thời điểm 31-12-2020, khối lượng mở (OI) toàn thị trường đạt 40.339 hợp đồng, tăng 143% so với cuối năm 2019.

Phát triển thị trường theo chiều sâu

Đánh giá lại nguyên nhân của sự phục hồi ngoạn mục trên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định, đầu tiên phải kể đến đó là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản được giảm thiểu, nền kinh tế được phục hồi.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ TTCK và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBCKNN đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, giảm 50% 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, hiệu lực từ ngày 7-5-2020 đến hết ngày 31-12-2020 (Thông tư số 37/2020/TT-BTC ngày 7-5-2020); giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán (Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18-3-2020) và kéo dài thời hạn giảm và miễn giá dịch vụ được quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BTC đến hết ngày 30-6-2021 (Thông tư số 70/2020/TT-BTC ngày 17-7-2020). 

Ngoài ra, UBCKNN đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như cắt giảm các thủ tục hành chính (giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 1 ngày), tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến; chỉ đạo 02 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) xây dựng các kịch bản điều hành TTCK trong mọi tình huống. 

“Về cơ bản các giải pháp đưa ra đã có tác dụng hỗ trợ và trấn an tâm lý cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian đó” - UBCKNN nhận định.

Trao đổi về định hướng chính sách phát triển TTCK trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tục tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài. 

Cụ thể, triển khai thực hiện Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thị trường; phối hợp cơ quan chức năng triển khai Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7-1-2019; nỗ lực triển khai Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Hơn nữa, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK.

Bên cạnh đó, UBCKNN cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) theo đánh giá của MSCI và FTSE.

Ngoài ra, UBCKNN cũng sẽ hoàn thiện sớm gói thầu công nghệ thông tin, nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC).

Tết bình an