Thời cơ mới cho tái cơ cấu ngành lúa gạo

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ đông xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi
Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ đông xuân. Ảnh: Nguyệt Nhi

(Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bài 2: Thách thức lớn

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, nhưng ngành hàng lúa gạo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trong khi đó, mặt hàng gạo lại đang phải đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu…

"Ðiểm nghẽn" chế biến và liên kết

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 582 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL); cơ sở có công suất dưới 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 38,5%; công suất hơn 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 61,5% (trong đó cơ sở có công suất lớn hơn 100.000 tấn thóc/năm chỉ chiếm khoảng 3%). Tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt bảy triệu tấn. Tuy nhiên, kho chứa, bảo quản phần lớn ở dạng kho xây gạch bê-tông truyền thống; kho lạnh, kho mát chưa có nhiều và mới chỉ dùng bảo quản hạt giống là chính, còn việc bảo quản hiện đại bằng si-lo rất hạn chế, chỉ có ở một số nhà máy chế biến sâu. Về chế biến gạo, theo điều tra, tổng sản lượng chế biến công nghiệp hiện đạt 13,5 triệu tấn quy gạo, chiếm khoảng 55 đến 60% sản lượng chế biến. Lượng sản phẩm còn lại được chế biến tại các cơ sở nhỏ với công nghệ đơn giản phục vụ tiêu thụ trong nước. Ðáng chú ý, chế biến sâu, đa dạng các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo như bún, mỳ, bột... còn hạn chế; các sản phẩm phụ (trấu, cám, rơm rạ...) cũng chưa được chú trọng sử dụng để tăng hiệu quả sản xuất. Chính những hạn chế trong công nghệ bảo quản và chế biến đã khiến ngành hàng lúa gạo chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Không chỉ gặp khó khăn trong khâu bảo quản, chế biến, một trong những "điểm nghẽn" lớn của ngành lúa gạo thời gian qua chính là vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ. Một trong những liên kết điển hình cần được nhắc tới là cánh đồng lớn. Ngay từ khi mới hình thành vào năm 2011, mô hình cánh đồng lớn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho sản xuất lúa gạo trên cả nước. Tại ÐBSCL, ngay trong vụ lúa hè thu 2011, diện tích cánh đồng lớn đã đạt khoảng 8.000 ha. Sau đó mô hình liên tục được nhân rộng, đến năm 2015 đạt hơn 200.000 ha. Ðến vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, diện tích này giảm xuống còn 170.000 ha, chỉ chiếm 10% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn vùng; đến vụ đông xuân 2020 - 2021, lại tiếp tục giảm xuống còn 160.000 ha. Nguyên nhân sụt giảm là do tiềm lực tài chính hạn chế của nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán, đầu tư 1 ha lúa cánh đồng lớn cần đến 50 triệu đồng/vụ. Với 5.000 ha lúa liên kết, doanh nghiệp phải đầu tư lên đến 250 tỷ đồng/vụ, chưa kể hệ thống sấy lúa, kho chứa, si-lo bảo quản... Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình, hiện ngân hàng chỉ cho các doanh nghiệp lúa gạo vay vốn để phục vụ các hoạt động liên quan xuất khẩu gạo, còn cho vay để sản xuất theo mô hình liên kết thì hầu như chưa có nên không phải doanh nghiệp nào cũng trường vốn để đầu tư lâu dài. Trong khi đó, tình trạng nông dân dù đã tham gia liên kết nhưng vẫn bán lúa cho thương lái bên ngoài vẫn xảy ra. Tất cả những yếu tố đó đã khiến mô hình cánh đồng lớn cứ thu hẹp dần theo thời gian.

Vướng mắc không chỉ xảy ra trong liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo đối với các doanh nghiệp lớn, diện tích bao tiêu lớn, mà đối với các doanh nghiệp nhỏ, hay các cá nhân đứng ra thuê đất để sản xuất lúa, việc liên kết cũng đang thiếu tính bền vững lâu dài. Ðiển hình như mô hình trồng lúa sạch của anh Võ Văn Tiếng tại ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp. Từ năm 2015, anh Tiếng đã trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, với diện tích gần 40 ha. Tuy nhiên, đến nay mô hình này cũng không phát triển được như kỳ vọng. Theo anh Tiếng, nguyên nhân là do vướng mắc trong khâu liên kết tiêu thụ. Cụ thể là về giá bán, thí dụ nông dân sản xuất theo cách thông thường, ở những chân ruộng tốt có thể đạt năng suất 8 tấn lúa/ha, với giá bán 5.000 đồng/kg lúa, họ được 40 triệu đồng/ha, trừ chi phí 25 triệu/đồng ha, họ lời được 15 triệu đồng. Còn sản xuất sạch được 3 tấn/ha, xay xát ra thành gạo được 1,5 tấn, bán sỉ cho đại lý cửa hàng được khoảng 25.000 đồng/kg gạo, thì tổng thu là hơn 37 triệu đồng/ha. Trừ chi phí sản xuất, chỉ còn lại khoảng 15 triệu đồng/ha. Chưa kể, đại lý thu mua khi bán lẻ ở mức giá cao hơn cũng rất "kén" người mua nên họ không mặn mà. Chính vì vậy, mối liên kết cứ dần gãy rụng...

Gian nan làm thương hiệu

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là đến năm 2020, có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa có lô gạo xuất khẩu nào mang lô-gô, thương hiệu gạo Việt Nam. Ðiều đáng nói là trước đó, các đơn vị chức năng đã xây dựng lô-gô gạo Việt Nam và đưa vào sử dụng cùng với quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về gạo trắng, gạo thơm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN về xay xát. Gạo Việt Nam đã bắt đầu có tiếng trên thị trường thế giới, nhất là khi gạo ST 25 đạt giải cao nhất tại cuộc thi "gạo ngon nhất thế giới" năm 2019. Lý giải vấn đề này, hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đều cho rằng, điều quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu gạo là phải có sản phẩm đồng nhất về chủng loại, chất lượng, sản lượng ổn định. Thế nhưng thực tế, diện tích sản xuất lúa tập trung tại Việt Nam hiện rất ít, chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thu mua gạo từ nhiều nguồn, dẫn đến tình trạng không thể có lượng gạo đồng đều về chất lượng để xây dựng thương hiệu. Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - "tác giả" của gạo ST 25 từng chia sẻ: Hàng chục nghìn hộ nông dân ÐBSCL đang thụ hưởng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tuy nhiên vẫn còn nhiều nông dân đang được các công ty thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ chen lấn nhau khuyến khích sử dụng thuốc nên vẫn khó hình thành một nền nông nghiệp sạch. Trong khi đó, phong trào sản xuất gạo gắn mác "sạch" hoặc "hữu cơ" ở ÐBSCL hiện tồn tại nhiều vấn đề vì chưa có quy chuẩn rõ ràng cũng như chứng nhận tin cậy. Những điều đó là cản trở lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Chính vì trăn trở này, từ năm 2020, nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa thơm ST 25 do Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua làm trưởng nhóm đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo ST 25 tại Cụm công nghiệp thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) gồm: nhà máy xay xát lúa gạo liên hợp, khu phục dựng quá trình lai tạo giống lúa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới… Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, hiện đã có nhiều doanh nghiệp muốn liên kết để cung cấp gạo ST 25 cho thị trường trong nước và nước ngoài nên đầu ra gạo thơm ST khá ổn định. Có thể đây là những bước đi mới, sẽ góp phần hình thành nên thương hiệu gạo Việt trong thời gian tới.

Theo GS, TS Võ Tòng Xuân, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải bắt đầu từ sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, để tạo ra vùng sản xuất rộng lớn, trong đó vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, là đầu tàu thúc đẩy hoạt động xây dựng thương hiệu gạo. Thế nhưng hiện nay, số lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh lúa gạo vẫn còn ít. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách riêng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định số 57/2018/NÐ-CP với các quy định mới như: giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính; quy định chính sách ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ..., nhưng các chính sách vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất trên thực tế, nên không dễ dàng thu hút và giữ chân doanh nghiệp lâu dài.

Thực tế đó cho thấy, thách thức phát triển bền vững ngành lúa gạo trong thời gian tới là không hề nhỏ. Bên cạnh các khó khăn trong sản xuất như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; minh bạch thông tin quá trình sản xuất với công nghệ quét mã QR, ngành lúa gạo còn phải đối mặt những thách thức khác như sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ, áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu, chính sách tự cấp giảm nhập khẩu của các nước bạn hàng, biến động giá gạo và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp... Chính vì vậy, các "điểm nghẽn" về chế biến, liên kết càng cần được giải quyết sớm, từ đó tạo bàn đạp mạnh mẽ cho tiến trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

(Còn nữa)

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 17 chỉ tiêu đề ra tại Ðề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", có chín chỉ tiêu hoàn thành là: Diện tích, năng suất, sản lượng; lượng gạo xuất khẩu, giá trị xuất khẩu; quy hoạch đất lúa, quy hoạch sản xuất theo vùng; chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang hướng chất lượng; nghiên cứu gói kỹ thuật; sử dụng giống xác nhận trở lên; tổn thất sau thu hoạch; lợi nhuận người trồng lúa; phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu. Có bảy chỉ tiêu chưa đạt là: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất và liên kết; giảm lượng giống gieo sạ; giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 30%; cơ giới hóa sản xuất lúa nói chung; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; tỷ lệ gạo xuất khẩu có 20% mang thương hiệu gạo Việt Nam. Có một chỉ tiêu đạt là thể chế, chính sách xuất khẩu gạo.

-----------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-4-2021.