Thoát nghèo nhờ trồng sa nhân tím

Với đặc tính dễ trồng dưới tán rừng tự nhiên và tái sinh, khả năng sinh trưởng, phát tán nhanh, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, sa nhân tím đang là “cây xóa nghèo” hiệu quả ở vùng cao, đất dốc, khô hạn của tỉnh Lào Cai. Chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây đang tập trung quy hoạch, phát triển cây sa nhân tím để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, gắn với bảo vệ rừng.

Đồng bào dân tộc Dao ở Lào Cai trồng cây sa nhân tím, đem lại thu nhập cao, ổn định.
Đồng bào dân tộc Dao ở Lào Cai trồng cây sa nhân tím, đem lại thu nhập cao, ổn định.

Cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch

Chúng tôi đến đồi trồng sa nhân tím của anh Chảo Láo Khờ, ở thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát. Chỉ hơn hai năm, sau trận lũ quét dữ dội, cuốn phăng nhà cửa và ruộng vườn của hàng chục hộ người Dao ở đây, những rừng sa nhân tím đã kịp phủ xanh dưới tán rừng trồng và rừng tự nhiên của bà con, đem lại nguồn thu lớn, giúp đồng bào xóa nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu bền vững ngay chính trên mảnh đất bị lũ quét trắng năm nào. Ông Chảo Kiếu Mẩy, Bí thư Chi bộ thôn Sùng Hoảng là một trong những người đi đầu trồng cây sa nhân tím ở địa phương cho biết, cây sa nhân tím dùng làm thuốc đông y, có giá trị hơn cây sa nhân trắng.

Khác với cây thảo quả chỉ ưa mọc ở nơi rừng già nguyên sinh, đất có nền mùn dày, độ ẩm cao thì cây sa nhân dễ trồng, thích nghi cao, có thể trồng trên đất nghèo kiệt, dưới tán rừng tự nhiên thứ sinh hoặc rừng trồng khoảng từ hai đến ba năm tuổi, khi cây bắt đầu khép tán. Chỉ trồng khoảng hai năm, cây sa nhân tím đã cho quả, năng suất đạt khoảng hơn 100 kg quả tươi/ha (giá bán từ 180 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg). Càng về sau, nếu được chăm sóc tốt, cây sa nhân tím càng cho năng suất cao và ổn định. Cây sa nhân tím rất dễ trồng, vào khoảng thời gian từ đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9), bón phân một lần, sau đó chỉ cần làm cỏ, phát quang cho cây sinh trưởng là được. Cây sa nhân tím phát tán rất nhanh nhờ đặc tính “sinh trưởng nhảy”, có nghĩa là rễ cây xiên ngang mặt đất và nảy chồi phát tán thành cụm; sau khoảng từ ba đến bốn năm trồng cây “nhảy” kín mặt đất, lấn át tất cả các cây dại khác. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Bát Xát Sí Trung Kiên khẳng định, mô hình trồng cây sa nhân tím có nhiều triển vọng và hiện tại đang cho hiệu quả kinh tế cao. Loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao và rất dễ trồng, ít công chăm sóc. Ngoài hiệu quả kinh tế, sa nhân tím còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng, vì đây là loại cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây, hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhân rộng để xóa nghèo bền vững

Từ điểm sáng trồng sa nhân tím ở vùng núi cao Phìn Ngan, ngành nông nghiệp và chính quyền các huyện, xã vùng cao của tỉnh Lào Cai đã quy hoạch, khuyến khích đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Xa Phó, Nùng sinh sống trên rẻo cao, biên giới tích cực trồng và mở rộng diện tích cây sa nhân tím dưới tán rừng. Trong đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả. Ở huyện biên giới Mường Khương, thường xuyên hạn hán, đã có hàng nghìn hộ nông dân trồng cây sa nhân tím gắn với trồng và bảo vệ rừng, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định, nhờ vậy hằng năm xóa nghèo đạt hơn 10%.

Ông Phào Seo Phà, người dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố, có 7.000 gốc sa nhân tím cho thu hoạch ổn định, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sa nhân tím, từ một hộ nghèo trong thôn, nay gia đình ông Phà đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Học theo gương ông Phà, nhiều hộ dân trong xã đã nhân giống và trồng sa nhân tím, cây đều phát triển tốt, mang lại thu nhập cao. Như gia đình anh Thào Seo Dế, ở thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, năm 2013 đã cải tạo hơn một héc-ta đất đồi để trồng cây sa nhân tím xen lẫn cây mỡ và keo. Đầu năm 2017, gia đình anh thu hoạch vụ đầu, thu về gần 100 triệu đồng.

Ở vùng núi đá huyện Si Ma Cai thượng nguồn sông Chảy, khí hậu khắc nghiệt, đất dốc, nhiều đá cứng, đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng nơi đây học theo người Dao ở Phìn Ngan, huyện Bát Xát, đã đưa cây sa nhân tím trồng dưới tán rừng phòng hộ và rừng trồng của gia đình. Gia đình anh Giàng Seo Quang, ở xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai là một điển hình về xóa nghèo từ trồng sa nhân tím. Năm 2012, được xã cử đi tham quan, học tập mô hình trồng sa nhân tím ở huyện Bát Xát, anh bàn với vợ dồn vốn mua cây giống, phân bón để trồng vườn sa nhân tím rộng khoảng 2.000 m2. Ba năm nay, gia đình anh có nguồn thu đều đặn từ bán quả tươi và cây giống, đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Hiện tại, anh Quang đang hướng tới việc kinh doanh cây giống. Anh cho biết: “Loại cây này rất phù hợp khi trồng ở các rừng phòng hộ, cây có ưu điểm là phát triển nhanh, rễ mọc ngang và dày nên có khả năng chống xói mòn tốt, lại cho hiệu quả kinh tế cao”.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 398 ha cây sa nhân tím, đem lại nguồn thu ổn định hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho nông dân vùng cao, góp phần xóa nghèo bền vững và tạo đà vươn lên làm giàu hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2020, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, biên giới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây sa nhân tím, đạt khoảng gần 1.000 ha. Lào Cai cũng đã đưa cây sa nhân tím vào quy hoạch phát triển vùng cây dược liệu của tỉnh. Trên cơ sở đó, có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, nguồn vốn, cây giống để giúp bà con trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.