Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm vốn đầu tư từ vùng Vịnh

Trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều khó khăn, Ankara đang thực thi các chính sách cải thiện quan hệ với một số quốc gia Arab ở vùng Vịnh, với mục tiêu tăng cường trao đổi thương mại và thu hút đầu tư từ các nước này. Các quốc gia vùng Vịnh đang nổi lên như những đối tác tiềm năng giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Doanh nghiệp UAE-Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh Emirates news agency)
Diễn đàn Doanh nghiệp UAE-Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh Emirates news agency)

Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) thời gian qua đã tăng thuế nhiên liệu lên gần 200%, động thái có thể khiến lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã ở mức 38% trở nên trầm trọng hơn và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ gia đình. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải thực hiện giải pháp này nhằm ổn định tài chính công và giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức kỷ lục.

Sau khi ổn định tình hình, Tổng thống Erdogan đã thay đổi một số chính sách kinh tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của người dân và tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia dầu mỏ trong khu vực. Ankara đang tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh sau nhiều năm căng thẳng, với mục tiêu thu hút các nguồn tài chính để vực dậy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trong cơn khủng hoảng.

Theo một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đang cố gắng thu hút 25 tỷ USD đầu tư từ các nước vùng Vịnh. Tháp tùng Tổng thống Erdogan trong chuyến công du Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar vào trung tuần tháng 7 vừa qua có hơn 100 doanh nhân với mục tiêu hướng tới bảo đảm thực thi các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước ở vùng Vịnh. Thời gian qua, UAE, Saudi Arabia và Qatar đã cung cấp ngoại hối cho Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các thỏa thuận hoán đổi ngoại hối và gửi tiền trực tiếp.

Trong hai năm qua, Tổng thống Erdogan đã tìm cách cải thiện quan hệ với Saudi Arabia sau khi quan hệ song phương bị đóng băng liên quan cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi (G. Kha-sốc-ghi) của tờ Washington Post năm 2018 tại Istanbul. Với UAE, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu đời. Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước chứng kiến những bước phát triển khá tốt trong vài năm qua.

Theo số liệu chính thức, kim ngạch thương mại phi dầu mỏ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và UAE trong năm 2022 đạt gần 19 tỷ USD, tăng 40% so năm 2021 và hơn 100% năm 2020. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của UAE. Tháng 11/2021, UAE thông báo thành lập quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ, với trọng tâm là đầu tư chiến lược, chủ yếu vào các lĩnh vực logistics, năng lượng, y tế và thực phẩm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới UAE gần đây, hai nước đã ký 13 thỏa thuận hợp tác song phương trị giá 50,7 tỷ USD. Các thỏa thuận thuộc các lĩnh vực: Năng lượng, giao thông vận tải, hạ tầng, logistics, thương mại điện tử, tài chính, y tế, du lịch, thực phẩm, xây dựng, bất động sản, công nghiệp quốc phòng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao. Các thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ-UAE lên mức đối tác chiến lược. Hai nước cũng nhất trí thành lập hội đồng chiến lược cấp cao song phương để giám sát quá trình thực hiện các thỏa thuận.

Các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm duy trì lãi suất thấp được cho là nguyên nhân dẫn đến tăng lạm phát và khiến nhiều nhà đầu tư phương Tây rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi thế, thu hút thêm vốn đầu tư từ các nước vùng Vịnh sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang khó khăn, đồng thời bù đắp vào khoảng trống vốn đầu tư mà các nước phương Tây để lại.