Theo bộ trên, tính chung trong cả tháng 1 và tháng 2, ngân sách đã thâm hụt 202,8 tỷ lira (hơn 10 tỷ USD). Hiện thâm hụt ngân sách đã tương đương 30,8% tổng thâm hụt dự kiến trong năm nay.
Trước khi động đất xảy ra, Tổng thống Tayyip Erdogan đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn khi lạm phát leo thang, và thảm họa càng làm gia tăng những khó khăn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện ngày 14/5 tới.
Chính phủ đã áp dụng các biện pháp mạnh để giảm thiểu tác động của thảm họa động đất đến nền kinh tế, như hoãn thanh toán nợ và hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân động đất.
Chuyên gia kinh tế Enver Erkan của Thổ Nhĩ Kỳ dự báo, chi ngân sách sẽ tăng trong quý I/2023 do tác động của thảm họa động đất đến nền kinh tế và các động lực tăng trưởng trước thềm bầu cử. Điều này có nghĩa là ngân sách sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép hơn trong những tháng tới.
Các chuyên gia kinh tế và nhóm doanh nghiệp dự báo, thảm họa động đất ngày 6/2 khiến 48.000 người thiệt mạng sẽ cần chi phí tái thiết lên tới 100 tỷ USD và khiến tăng trưởng kinh tế giảm 2 điểm phần trăm trong năm nay.
Tháng 9/2022, Ankara dự báo thâm hụt ngân sách vào khoảng 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Dù thâm hụt ngân sách đang gia tăng trong những năm gần đây, thâm hụt trong năm 2022 vẫn ở mức khoảng 1% GDP.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, việc chính phủ chi tiêu vào việc tái thiết và hỗ trợ sau động đất có thể nâng thâm hụt vượt 5% GDP trong năm nay.
Theo các số liệu chính thức, trong tháng 2, Bộ Tài chính đã chi 5,6 tỷ lira cho việc tái thiết các khu vực thảm họa và chi khoảng 17,7 tỷ lira hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bộ cũng dành 16 tỷ lira để hỗ trợ công ty năng lượng nhà nước BOTAS. Tổng chi liên quan đến hỗ trợ sau động đất đã lên tới 32 tỷ lira (1,6 tỷ USD).