Thiếu thuốc - thách thức với ngành y tế Nhật Bản

Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, thiếu thuốc đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Giới chức y tế đất nước Mặt trời mọc đang loay hoay tìm cách giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung thuốc nan giải, kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và sức khỏe người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, 90% cơ sở y tế tại nước này cho biết các đơn đặt hàng thuốc bao gồm thuốc giảm đau, trị ho, tiểu đường, trầm cảm... cùng nhiều loại thuốc khác hiện không được đáp ứng, một số loại rất khó mua.

Các bệnh nhân vì vậy buộc phải sử dụng các loại thuốc thay thế có cùng thành phần, hay còn gọi là thuốc generic (thuốc ra đời sau, có thành phần và hiệu quả tương tự như loại thuốc gốc được phát triển đầu tiên). Trong trường hợp các loại thuốc thay thế cũng không có đủ nguồn cung, bệnh nhân buộc phải chuyển sang dùng các loại thuốc đắt tiền hơn.

Sự thiếu hụt nguồn cung thuốc tại Nhật Bản kéo dài hơn hai năm qua được cho là do nhiều yếu tố, trong đó có đại dịch Covid-19 và dịch cúm hoành hành khiến nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao. Khoảng 3.100 loại thuốc đang bị thiếu hụt nghiêm trọng tại Nhật Bản chiếm hơn 20% trong tổng số gần 14.000 loại thuốc được chương trình bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung thuốc ngày càng nghiêm trọng, các cơ quan chức năng Nhật Bản cần thiết lập một hệ thống cho phép tăng sản lượng linh hoạt và xem xét điều chỉnh mức giá thuốc tiêu chuẩn nhằm khuyến khích các công ty dược đẩy mạnh sản xuất.

Một thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung thuốc ổn định cho thị trường là Nhật Bản phải nhập khẩu nguyên liệu cho khoảng 60% loại thuốc generic. Đại dịch đã làm trì hoãn quá trình nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và cung ứng thuốc tại Nhật Bản.

Các nhà sản xuất cũng gặp khó khăn kể từ khi các vụ việc tiêu cực liên quan quy trình sản xuất thuốc generic bị phanh phui từ cuối năm 2020. Các hành vi gian lận, như trộn thành phần từ các loại thuốc khác nhau và làm sai lệch dữ liệu thử nghiệm đã bị vạch trần. Từ năm 2021, Bộ Y tế Nhật Bản đã buộc hơn 10 công ty dược phẩm ngừng sản xuất thuốc generic do chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Tính đến cuối tháng 9 năm nay, hơn 30% trong tổng số hơn 9.000 loại thuốc generic đã bị hạn chế hoặc đình chỉ bán. Tháng 10/2023, nhiều sai phạm cũng được phát hiện tại công ty sản xuất thuốc gốc lớn nhất Nhật Bản là Sawai Pharmaceutical, làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung thuốc có thể còn kéo dài.

Nhằm hạn chế chi phí y tế, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân sử dụng thuốc generic do có giá thành rẻ hơn thuốc gốc. Hiện nay, loại thuốc này chiếm khoảng 80% lượng thuốc được các bác sĩ kê đơn tại Nhật Bản. Song, sự phát triển nhanh chóng của thị trường dược phẩm và mức độ cạnh tranh về giá đã dẫn đến một số hạn chế về nguồn cung.

Việc các công ty dược phẩm tập trung vào lợi nhuận bằng cách liên tục bổ sung các loại thuốc mới vào danh mục, đã dẫn đến sự đa dạng về chủng loại nhưng số lượng từng loại thuốc được sản xuất bị hạn chế. Đồng thời, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng đang gây áp lực đối với các nhà sản xuất.

Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Takemi Keizo đề nghị tám nhà sản xuất thuốc lớn tăng cường sản xuất và phân phối kho dự trữ với kỳ vọng có thể cải thiện nguồn cung khoảng 10% so với cuối tháng 9. Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa các gói hỗ trợ tài chính đối với các công ty tham gia nỗ lực thúc đẩy sản xuất thuốc vào gói kích thích kinh tế mới nhất của Chính phủ. Qua đó, các nhà sản xuất thuốc cam kết bảo đảm nhân sự cần thiết và tăng cường thiết bị phục vụ sản xuất sẽ nhận được sự hỗ trợ.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung thuốc ngày càng nghiêm trọng, các cơ quan chức năng Nhật Bản cần thiết lập một hệ thống cho phép tăng sản lượng linh hoạt và xem xét điều chỉnh mức giá thuốc tiêu chuẩn nhằm khuyến khích các công ty dược đẩy mạnh sản xuất.