Thiếu thuốc điều trị, người bệnh khốn đốn

NDO -

Từ vài tháng nay, bà Mai Thị Hường (56 tuổi, ở Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa vì không thể mua thuốc canxi dạng ống tiêm cho chồng là ông Nhữ Đình Mây - người đã có thâm niên 17 năm chạy thận.

Bà Mai Thị Hường cùng lọ thuốc canxi dạng viên dùng tạm thay thế trong khi hết thuốc. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Bà Mai Thị Hường cùng lọ thuốc canxi dạng viên dùng tạm thay thế trong khi hết thuốc. (Ảnh: SƠN BÁCH)

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế đang ngày càng khiến cho nhiều người bệnh khốn đốn hơn bao giờ hết.

Lên bàn mổ còn phải dừng vì… thiếu vật tư

Sau cú bước hụt từ trên giường xuống đất và bị ngã, mẹ chị Hoàng Thị Minh Hải (Hà Đông, Hà Nội) bị gãy cổ xương đùi, hỏng khớp háng. Tất tả đưa mẹ vào một bệnh viện tuyến Trung ương hàng đầu vào ngày 6/5, gia đình được hẹn lịch mổ thay khớp háng cho bà vào thứ năm (ngày 9/6).

Sáng sớm 9/6, sau một đêm tháo thụt và nhịn ăn, mẹ chị Hải (75 tuổi) hy vọng mình sẽ sớm thoát khỏi cơn đau hành hạ vì phải nằm một chỗ nhiều ngày. Chừng 3 giờ chiều, bà được sắp xếp đẩy vào phòng mổ. Nhưng chỉ 15 phút, sau khi bà được cắm các ống truyền vào người thì gia đình được gọi lên phòng mổ đưa bà về phòng vì “hết vật tư y tế”!

Bức xúc và thương bà, chị Hải cho biết, bà khá mệt mỏi vì gần một tuần bị gãy cổ xương đùi. Bệnh viện không hề thông báo gì về việc thiếu vật tư ngay từ đầu, để bà nhịn đói suốt gần một ngày và phải uống thuốc tháo thụt trong khi cơ thể đang đau đớn. “Bác sĩ lý giải với gia đình là hiện bệnh viện vừa phải xử lý một số ca cấp cứu dẫn tới thiếu vật tư. Bệnh viện hứa một ngày sau đó sẽ sắp xếp để mổ sớm cho bà", chị Hải nói.

Câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra với chị H.M (Huế). Theo chị M, người nhà chị có bệnh về xương khớp nên buộc phải chỉ định phẫu thuật ở cổ. Mòn mỏi đợi chờ ở địa phương không xong vì thiếu vật tư, gia đình chị quyết định xin lên tuyến Trung ương. Thế nhưng, sát tới ngày làm phẫu thuật, các bác sĩ lại cho bệnh nhân về với lý do “thiếu nẹp cổ”.

Thiếu thuốc điều trị, người bệnh khốn đốn -0
 Rất nhiều bệnh nhân đến viện từ tờ mờ sáng nhưng cũng không có vật tư để được can thiệp các thủ thuật.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thực tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế. Nhiều người dân ở các tỉnh xa cũng nhiều phen bức xúc vì hơn một lần thu xếp từ tỉnh lên Bệnh viện Mắt Trung ương để được mổ thay thủy tinh thể, nhưng bệnh viện cũng thông báo “hết vật tư”.

Anh N.T.L (Nam Định) cho biết, gia đình rất cẩn thận gọi điện cho bệnh viện có thủy tinh thể không để lên nhập viện và được trả lời là có. Tuy nhiên, dù đã bắt xe đi từ Nam Định lên lúc tờ mờ sáng, nhưng sau quá trình khám xét để chờ được vào phẫu thuật thì bệnh viện lại thông tin: "tạm thời hết thủy tinh thể".

“Gia đình chúng tôi ở xa, ông thì cao tuổi, phải dậy sớm để đi xe lên Hà Nội. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp tình trạng nhận được thông báo hết vật tư y tế. Hai tháng qua, hai lần hẹn có vật tư thay thế mà bố tôi vẫn chưa được thay thủy tinh thể”, anh L. nói.

Cuối tháng 4 vừa qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh nhân ghép thận đã không được cấp phát thuốc chống thải ghép (đây là loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả), lý do vì bệnh viện không còn thuốc. Lúc này để bảo đảm sức khỏe cho chính mình, bệnh nhân đã phải chấp nhận tự tìm mua thuốc ngoài thị trường với chi phí không nhỏ.

Nhưng, đến thời điểm này thì thiếu thuốc không còn là chuyện chỉ xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Liên tiếp những vụ việc tương tự thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm hay vật tư, trang thiết bị diễn ra tại nhiều bệnh viện khác. Tình trạng này đã gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị, đặc biệt là những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Người bệnh hiểm nghèo khốn đốn

Trong căn phòng trọ chỉ 10m2 ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội), bà Mai Thị Hường đang lẩm nhẩm kiểm tra lại thuốc hỗ trợ điều trị cho chồng là ông Nhữ Đình Mây. Năm nay 67 tuổi, nhưng ông Mây đã có đến 17 năm phải chạy thận với lịch trình 3 lần/tuần.

Bà Hường cho hay: Việc chạy thận được bảo hiểm xã hội chi trả. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải bỏ chi phí mua nhiều loại thuốc bên ngoài. Và điều đáng lo nhất là trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, một số loại trong số này đã bắt đầu bị khan hiếm, gây ra rất nhiều khó khăn cho vợ chồng bà.

“Điển hình như thuốc tiêm bổ trợ canxi và thuốc điều hòa phốt phát. Trước kia, chỉ cần có đơn là chúng tôi có thể mua trong bệnh viện. Nhưng vài tháng trở lại đây thì đã không còn nữa. Ngay cả các hiệu thuốc lớn bên ngoài như L.T cũng rơi vào tình trạng tương tự”, bà Hường thở dài.

Theo bà Hường, người chạy thận lâu năm thường xuyên rơi vào tình trạng thừa canxi trong máu nhưng thiếu canxi ở xương. Điều này dẫn tới hiện tượng tụt canxi, loãng xương và nghiêm trọng hơn là làm rối loạn tuyến giáp nếu không được bổ sung kịp thời.

Thiếu thuốc điều trị, người bệnh khốn đốn -0
Bà Dương Thị Hoài ngao ngán kiểm tra số thuốc điều trị hỗ trợ của mình.

Trong khi đó, cơ thể người bệnh cũng không tự đào thải được phốt phát nên nếu không có thuốc điều hòa thì sẽ rất dễ bị mẩn, ngứa. Đây là hai loại thuốc rất cần thiết nhưng hiện nay rất khó mua. Nhiều người thậm chí chấp nhận “săn lùng” hàng xách tay với giá cao nhưng tù mù về chất lượng.

Tiếp lời bà Hường, bà Dương Thị Hoài (67 tuổi, ở Nam Định) thở dài nói: Điều khiến bà cùng mọi người trong xóm chạy thận lo lắng nhiều hơn chính là việc các loại thuốc thay thế tương tự cũng bị tăng giá khá mạnh.

“Như thuốc tiêm bổ trợ canxi, phốt pho trước tôi mua ở trong Bệnh viện Bạch Mai, chỉ cần có đơn của bác sĩ sẽ mua được nhưng giờ bệnh viện cũng không có để bán. Có lúc người chạy thận cần đi khắp nơi tìm mua, thậm chí lên cả khu vực nhà thuốc Bệnh viện Việt Đức. Loại thuốc viên thì hấp thụ chậm hơn, như lọ thuốc viên hỗ trợ canxi trước đây giá chỉ hơn 100.000 đồng thì nay có giá gần 200.000 đồng”, bà Hoài chia sẻ.

Theo bà Hường, có loại thuốc bác sĩ kê trong đơn nhưng mua trong viện và một số nhà thuốc bên ngoài không có. Sau đó Bà cũng được tư vấn chuyển sang loại thuốc khác công dụng tương đương để thay thế.

“Chúng tôi mong thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân cũng như những trang thiết bị đầy đủ để những người bệnh trong đó có những người chạy thận không bị thiếu thốn”, bà Hoài nói thêm.

Tại một bệnh viện chuyên điều trị ung thư, chị N.T (Hà Nội) trong lần thứ 3 hóa trị đã được các bác sĩ thông báo hiện bệnh viện đang thiếu một loại thuốc thuộc Bảo hiểm xã hội chi trả trong danh sách đơn của chị.

“Loại thuốc này trong danh mục BHXH chi trả nhưng bác sĩ bảo hết và báo tôi ra mua loại thuốc tương đương khác với giá hơn 800.000 đồng. Số tiền này với tôi không quá lớn nhưng với nhiều bệnh nhân nghèo sẽ rất tốn kém. Người bệnh như chúng tôi dĩ nhiên không muốn mất thêm tiền”, chị T. chia sẻ.

Bà T,  người nhà bệnh nhân N.H.V. cho biết: ông V. chồng bà được chuẩn đoàn mắc ung thư thực quản và đã điều trị tại bệnh viện này được hơn 2 tháng. Trong khoảng thời gian này, bà đã phải bỏ tiền ra để mua thuốc bên ngoài do bệnh viện thiếu.

“Tôi vừa phải ra ngoài mua tại nhà thuốc loại kích bạch cầu với giá hơn 2 triệu đồng. Như kim luồn người bệnh cũng phải mua bên ngoài”, người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Thiếu trên diện rộng

Thực tế, tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà còn rất phổ biến ở nhiều địa phương khác. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thậm chí đưa ra băn khoăn: "Không hiểu lý do vì sao, giờ thuốc thông thường cũng thiếu, vậy phải làm rõ xem vướng cái gì".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đưa ra ý kiến: "Gần đây có vị Bộ trưởng than phiền với tôi là đi mua thuốc Zinnat- loại kháng sinh rất thông dụng nhưng cũng không mua được".

Ông cũng chia sẻ thêm: "Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men hiện nay không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư".

(Còn nữa)