Thiếu quỹ đất, nhiều khu dân cư nội thành thiếu nhà văn hóa

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực "phủ sóng" nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo các thiết chế nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Thế nhưng, ở nội thành, việc xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng lại gặp nhiều khó khăn do không bố trí được quỹ đất, thiếu các công trình có thể chuyển đổi công năng.

Nhà văn hóa Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên được đầu tư xây dựng khang trang, được sử dụng để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng. (Ảnh VƯƠNG ÐỨC)
Nhà văn hóa Kim Quan, phường Việt Hưng, quận Long Biên được đầu tư xây dựng khang trang, được sử dụng để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng. (Ảnh VƯƠNG ÐỨC)

Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Ðình) có bảy tổ dân phố, với khoảng gần 10 nghìn người dân. Người dân trên địa bàn phường yêu văn hóa, văn nghệ, nhưng mỗi dịp liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, các tổ dân phố lại phải đi mượn địa điểm để tập luyện. Bởi cả bảy tổ dân phố, chỉ có duy nhất một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Ðây là một tòa nhà cũ tại số 64 đường Yên Phụ. Do không đủ diện tích, lại thiếu trang, thiết bị, nên đây cũng chưa đủ "chuẩn" để trở thành nhà văn hóa. Tuy nhiên, cũng chỉ có người dân Tổ 1 và Tổ 2 chung nhau sử dụng tòa nhà này. Những khu dân cư khác hiếm khi có mặt, do khoảng cách xa. Những cuộc sinh hoạt, hay họp hành, người dân thường phải đi mượn địa điểm, đôi khi cả trạm y tế phường cũng được dùng làm nơi họp hành, tập luyện văn nghệ.

Trên địa bàn quận Ba Ðình, việc thiếu nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng là tình trạng chung nhiều năm nay. Toàn quận có 217 tổ dân phố, thì chỉ có 92 nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có nhà văn hóa. Phó Trưởng phòng Văn hóa quận Ba Ðình, Nguyễn Thị Nhàn cho biết: "Các nhà sinh hoạt đều có diện tích quá nhỏ, nhiều nhà chỉ từ 20 đến 30 m2, thiếu thiết bị. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa hay trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Việc các tổ dân phố không có, hoặc phải dùng chung trung tâm sinh hoạt cộng đồng là hết sức phổ biến".

Thành phố Hà Nội hiện có 5.406 tổ dân phố, thôn, nhưng mới chỉ có 4.123 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, có 1.537 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy tỷ lệ "phủ sóng" của nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng là khá lớn, nhưng sự phân bố lại không đều. Tại khu vực ngoại thành, sau khi xây dựng nông thôn mới, về cơ bản các thôn, làng đã có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Những đơn vị còn thiếu được thành phố quyết định cấp ngân sách xây dựng từ năm 2020, với định mức 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa. Các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều bố trí được quỹ đất, kinh phí để xây nhà văn hóa. Khó khăn chủ yếu nằm ở khu vực nội thành cũ, khi không thể bố trí được quỹ đất.

Ngày 22/2/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 54/KH-UBND về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch này nhằm nâng cao toàn diện chất lượng cuộc sống người dân ở tám tiêu chí: Quy hoạch, giao thông, môi trường-an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, y tế, giáo dục… Trong đó, có tiêu chí văn hóa, thể thao. Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn). Ðể đạt chuẩn, thì 100% số tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên. Ðây là tiêu chí rất khó triển khai trên thực tế. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Ðống Ða Nguyễn Trọng Hải cho biết: "Hàng trăm tổ dân phố ở quận Ðống Ða không có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng vì không có quỹ đất, cũng không có đất xen kẹt để tận dụng. Nhiều nơi mỗi khi có hoạt động văn hóa phải vất vả đi nhờ địa điểm, hoặc sinh hoạt tạm thời nơi góc phố, sân khu tập thể…".

Tuy thiếu thiết chế văn hóa cơ sở, nhưng khu vực nội thành lại có nhiều thiết chế văn hóa cấp Trung ương, thành phố, cấp quận, cũng như của các cơ quan lớn đóng trên địa bàn. Thí dụ như quận Hoàn Kiếm là nơi có nhiều cơ quan lớn đóng trụ sở, có nhiều thiết chế văn hóa lớn của thành phố, một trong số đó phải kể đến là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho biết: "Ðể "phủ sóng" nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các quận nội thành cũ là hết sức khó khăn. Nhưng thực tế này cho chúng ta một gợi ý. Các thiết chế văn hóa của Trung ương, thành phố hay cấp quận không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất. Các cơ quan lớn đều có hội trường, có phương tiện dành cho sinh hoạt văn hóa. Tôi cho rằng, cách khắc phục trước mắt là các địa phương cần phối hợp các cơ quan. Song, để các cơ quan, các thiết chế văn hóa cấp trên "mở cửa" cho sinh hoạt văn hóa cơ sở, thì thành phố, hay cấp quận cần xúc tiến xây dựng cơ chế phối hợp. Nếu làm tốt, tôi cho rằng, dân cư nhiều địa bàn sẽ thoát cảnh "trắng" điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng như hiện nay" ■ 

Giang Nam