Thiếu nguồn máu điều trị người bệnh tại đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều tháng nay, việc điều trị cho người bệnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do các bệnh viện thiếu nguồn máu. Các cơ quan chức năng, cơ sở y tế đã có nhiều biện pháp khẩn cấp khắc phục nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện…
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phân loại máu để hỗ trợ Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ.
Các bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phân loại máu để hỗ trợ Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ.

Tại các bệnh viện ở thành phố Cần Thơ, việc thiếu máu cấp cứu, điều trị cho người bệnh trở thành tình trạng chung. Nhiều bệnh nhân điều trị nhiều ngày mà chưa có máu, trong đó có những ca bệnh nặng. Lãnh đạo một số bệnh viện cho biết, từ tháng 3 năm 2023, các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long nhận được lượng máu hỗ trợ từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và một số bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, lượng máu rất ít ỏi so với nhu cầu khám, chữa bệnh trong khu vực. Máu khan hiếm, các bệnh viện ở đây phải ưu tiên những ca bệnh "tối cấp cứu" như băng huyết sau sinh, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn giao thông nghiêm trọng…

Nhiều ca bệnh nặng như ung thư, hở van tim… vẫn phải xếp hàng chờ điều trị, phẫu thuật vì nằm ở nhóm "vẫn còn trì hoãn được". Đối với những ca không đủ điều kiện để chuyển lên tuyến trên vì quá nặng, các bác sĩ cũng buộc chờ đợi tiểu cầu.

Tại Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân P.V.T. (trú huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), bị hở van tim 4/4, đã nhập viện gần một tháng nay nhưng vẫn tiếp tục chờ truyền tiểu cầu để mổ. Bác sĩ điều trị cho ông T. cho biết, trước đó, bệnh viện đã lên lịch mổ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh viện cần đơn vị tiểu cầu đó để cứu sống bệnh nhân khác đang trong tình trạng nghiêm trọng hơn.

Nhiều bệnh nhân đang chờ máu để điều trị, phẫu thuật chia sẻ, tình trạng thiếu nguồn máu, tiểu cầu khiến người bệnh lẫn người nhà mệt mỏi vì phải ở bệnh viện nhiều ngày. Bên cạnh đó, các chi phí thuốc men, khám, chữa bệnh cũng tăng lên nhiều.

Theo đại diện một số cơ sở khám, chữa bệnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, đơn vị phục vụ công tác tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp máu, chế phẩm máu cho 74 bệnh viện, cơ sở y tế tại 11/13 tỉnh, thành phố trong khu vực, gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế (trong đó có túi máu, hóa chất sàng lọc máu).

Theo lãnh đạo Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, ngày 30/7 vừa qua, bệnh viện có báo cáo khẩn gửi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế thành phố Cần Thơ và 74 bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực về việc hết khối tiểu cầu gạn tách (gọi tắt là Kit) sử dụng cho cấp cứu. Đây là lần thứ sáu bệnh viện phát đi thông báo này.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ cho biết, một tháng, cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần 12 nghìn đến 15 nghìn đơn vị máu, tương đương chừng đó túi đựng máu, chưa kể hóa chất sàng lọc máu và xét nghiệm máu để phục vụ bệnh nhân.

Những năm trước, lượng máu của bệnh viện rất dồi dào, thậm chí hỗ trợ cho các bệnh viện lớn như Bạch Mai (Hà Nội), Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh)… thì nay lại rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ tháng 10/2021 bệnh viện triển khai đấu thầu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, trong đó có túi máu và hóa chất sàng lọc máu, nhưng do một số vướng mắc cho nên việc đấu thầu vẫn chưa thể tiến hành được.

"Trước mắt, bệnh viện vẫn phải chờ đợi cấp trên phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ 394 mặt hàng. Hiện nay, đã được duyệt 347 mặt hàng, còn lại 47 mặt hàng chưa thực hiện mua sắm được. Về mặt chuyên môn, bệnh viện đã có tờ trình lên Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Y tế Cần Thơ giải trình việc các mặt hàng đã được phê duyệt dù có đơn vị trúng thầu thì máy móc cũng chưa thể hoạt động. Các máy hóa chất nhóm dù thiếu một chất thôi cũng không thể chạy.

Trước khi được phê duyệt gói thầu lớn, bệnh viện thực hiện những gói thầu nhỏ theo thẩm quyền là những gói thầu dưới 500 triệu đồng được tự phê duyệt không phải trình. Đây chỉ là giải pháp để giải quyết tình trạng cấp bách nhưng cũng chỉ tạm thời vì số lượng vật tư, trang thiết bị mua sắm được không đáng kể, trong khi nhu cầu quá lớn", bác sĩ Nguyễn Xuân Việt chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề thiếu máu trong một thời gian dài, tháng 6 vừa qua, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có Công văn số 2049/VPUB-KGVX gửi Sở Y tế thành phố và Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị y tế trực thuộc Bộ đề nghị phối hợp bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Văn bản cũng đề nghị Sở Y tế thành phố Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao.

Ngày 19/7, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương có công văn cho biết, Trung tâm Máu quốc gia và Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chỉ cung cấp các chế phẩm máu cho Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ đến hết tháng 8/2023. Đề nghị Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ có kế hoạch và triển khai các biện pháp để chủ động bảo đảm nguồn máu phục vụ cho điều trị người bệnh trong khu vực từ tháng 9.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga, ngày 21/7, Sở Y tế đã trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ về Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và đang chờ phê duyệt…