Thiếu minh bạch trong thu phí đường bộ tại dự án BOT

Vài năm nay, các trạm thu phí hoàn vốn cho dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) mọc lên ngày càng dày đặc trên các tuyến quốc lộ, đã gây xáo trộn không nhỏ trong xã hội. Công tác thu phí hoàn vốn bộc lộ nhiều bất cập, mức phí được cho là quá cao, trong khi dư luận quan ngại về tính công khai, minh bạch của các dự án BOT, khó kiểm soát số tiền mà chủ đầu tư thu được.

Lái xe dừng để lấy vé và thanh toán tiền phí khi lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Lái xe dừng để lấy vé và thanh toán tiền phí khi lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Nghi ngờ khuất tất trong thu phí

Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT của liên doanh các nhà đầu tư Minh Phát - Phương Thành - Cienco 1. Đây là tuyến huyết mạch về Thủ đô, có lượng phương tiện qua lại lớn nhất các tỉnh phía bắc. Với tổng mức đầu tư 6.700 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn tại dự án 65%, Công ty Minh Phát giữ vị trí Tổng Giám đốc tại Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành, quản lý tuyến cao tốc này), còn tỷ lệ góp vốn của Cienco 1 và Phương Thành lần lượt là 18% và 17%. Giai đoạn 1 của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành đưa vào khai thác và thu phí từ tháng 10-2015 với mức phí tương đương đường cao tốc xây mới, trung bình 1.500 đồng/phương tiện tiêu chuẩn/km. Tuy nhiên, sau khi dự án đi vào thu phí ít lâu, Cienco 1 đã có đơn kiến nghị các cơ quan hữu quan, phản ánh đơn vị không có số liệu cụ thể về tình hình doanh thu, lượng xe qua trạm thu phí có biểu hiện thiếu minh bạch. Báo cáo ngày 22-3-2016 của MPC, cho thấy công tác thu phí có nhiều điểm bất hợp lý, mặc dù tuyến đường có mật độ phương tiện cao, nhưng mức thu phí hằng tháng trung bình chỉ đạt 35 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày) là khá bất thường. Đáng chú ý, tháng 2-2016 (tháng Tết Nguyên đán), mật độ phương tiện cao hơn nhưng doanh thu lại thu thấp hơn những tháng bình thường. MPC cung cấp số liệu doanh thu các trạm thu phí theo tháng rất sơ sài, thiếu các số liệu về chủng loại xe qua các trạm thu phí mỗi ngày, trong khi đây là công cụ quan trọng phản ánh thực tế thu phí.

Do là cổ đông nhỏ, chỉ chiếm 18% vốn chủ sở hữu dự án cho nên nhân sự của Cienco 1 trong bộ máy điều hành thu phí hiện tại không đủ để kiểm soát. Để có số liệu đối chứng, Cienco 1 đã lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát trên tuyến đường này, tuy nhiên phía MPC thường xuyên cử người cản trở. Điều này dẫn đến việc nội bộ các nhà đầu tư nghi ngờ về tính minh bạch tài chính của dự án này. Cienco 1 đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đề nghị chấp thuận thành lập tổ kiểm tra, giám sát công tác quản lý khai thác thu phí đường cao tốc bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại, lắp đặt các ca-mê-ra ghi hình tại các trạm, kiểm soát lưu lượng xe và xác định doanh thu thu phí. Với hình thức thu phí thủ công (phát vé giấy) tại các trạm thu phí hoàn vốn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ như hiện nay, nguy cơ thất thoát phí là không thể loại trừ cho nên rất cần sự giám sát độc lập của nhiều bên. Đại diện Cienco 1 nhận định: "Việc này ngoài làm rõ các nghi vấn thất thoát, nếu lưu lượng phương tiện được phản ánh chính xác qua doanh thu thu phí, thì thời gian hoàn vốn của dự án sẽ ngắn lại". Theo lý giải của Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC Phạm Văn Khôi, hoạt động thu phí của dự án chịu sự giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho nên hoàn toàn không có thất thoát trong việc thu phí tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cienco 1 bố trí thiết bị ca-mê-ra theo dõi, đếm xe không thông báo cho Hội đồng quản trị MPC là không phù hợp điều lệ công ty. Nguyên nhân tháng 2-2016 doanh thu thu phí của dự án thấp hơn các tháng khác, do số ngày ít hơn, hơn nữa xe tải và xe công-ten-nơ (mức phí cao hơn) lại giảm mạnh, phần lớn xe qua trạm là xe con và xe khách, các xe loại này phần lớn mua vé tháng, vé quý cho nên chỉ thu phí được một lần/ngày. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, giám sát 10 ngày (từ ngày 10 đến 20-7) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên tuyến đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được công bố mới đây cho thấy, bình quân một ngày các trạm thu phí BOT trên tuyến đường này thu về 1,985 tỷ đồng. Con số này "vênh" gần 600 triệu đồng so với mức thu bình quân 1,4 tỷ đồng/ngày do Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với cổ đông và cơ quan quản lý nhà nước. Làm một phép tính đơn giản theo mức chênh lệch nêu trên, mỗi tháng số tiền chênh lệch mất đi hơn 15 tỷ đồng, mỗi năm, chủ đầu tư đã "bỏ túi" khoảng 180 tỷ đồng. Tuy chỉ là ước tính nhưng từ dự án này, có thể thấy những lỗ hổng lớn trong việc quản lý, giám sát các dự án BOT. Dù đặt ra nghi vấn, nhưng do việc thống kê phương tiện, kiểm đếm số lượng phương tiện qua các trạm thu phí trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được thực hiện hai thời điểm khác nhau cho nên rất khó khẳng định và có phương án xử lý dứt điểm.

Sớm áp dụng công nghệ mới, minh bạch thông tin

Từ trường hợp "lùm xùm" của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định, các dự án đầu tư theo hình thức BOT và công trình giao thông khác đều cần phải công khai, minh bạch cho người dân ngay từ đầu. Trong hợp đồng BOT có điều khoản bảo mật thông tin, không được cung cấp thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật của dự án, khiến các nhà đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp dự án nghi ngờ lẫn nhau. Bên cạnh đó, hợp đồng BOT dường như nghiêng về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cho nên gây nhiều bức xúc; rủi ro của người dân, xã hội thì không có cơ chế nào để giải quyết. Dự án được thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư cho nên việc kiểm soát suất đầu tư không chặt chẽ. Ngoài ra, đại diện nhiều DN vận tải cũng phản ánh tình trạng trạm thu phí "bủa vây" khắp các tuyến đường cùng với mức phí cao, chưa phù hợp với "sức mua" của người dân. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay khi đề cập đến các dự án BOT, là mức thu phí và lộ trình tăng phí chưa phù hợp. Nhiều người dân phản ánh ý kiến, mức thu cũng như lộ trình tăng phí ở một số trạm quá cao và tần suất quá dày. Xem xét vấn đề này, Bộ GTVT nhìn nhận, khi lập dự án đầu tư chưa có quy định lượng hóa lợi ích mang lại của tuyến đường so với mức phí phải nộp, chưa có đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động của mức phí đến kinh tế vĩ mô. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, có không ít trạm thu phí đặt chưa đúng vị trí, mật độ các trạm thu phí dày đặc, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn, dẫn đến tình trạng phí chồng phí,...

Chung quanh nghi vấn thất thoát phí tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Hội đồng quản trị MPC quyết định vấn đề trong Công ty BOT và phải có báo cáo tài chính theo tháng, quý và năm. Khi hạch toán có số liệu, bên ngân hàng cho vay cũng cần nắm số liệu để thu hồi vốn. Điểm nào phía Cienco 1 vẫn còn thấy nghi ngờ, chưa thỏa đáng thì có quyền khiếu nại tiếp, sau đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xác minh, làm rõ. Bởi dù gì đi chăng nữa, các nhà đầu tư cũng không thể khách quan bằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Để giải quyết tình trạng khoảng cách các trạm thu phí quá gần nhau trên tuyến đường từ Hà Nội đến Ninh Bình, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đề xuất bỏ trạm thu phí Đại Xuyên, điểm tiếp giáp giữa hai dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Việc bỏ trạm thu phí này hoàn toàn có thể thực hiện được, vẫn bảo đảm tiền thu phí dự án nào sẽ chuyển cho dự án đó, minh bạch hoàn toàn số liệu về lưu lượng xe, doanh thu từ thu phí,... tránh được ùn tắc giao thông khi lưu lượng xe lớn.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, song cần phải quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, kiểm soát phương án tài chính, chi phí, thời gian hoàn vốn, đặc biệt là giám sát doanh thu để bảo đảm sự minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư. Hiện, hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đang áp dụng công nghệ thu phí một dừng, phương tiện vẫn phải dừng lại một lần trước ba-ri-e để lấy vé và thanh toán tiền phí. Mặc dù các công đoạn thu phí đã giảm hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn là cách thức thủ công. Công nghệ thu phí không dừng đang được Bộ GTVT nghiên cứu, dự kiến triển khai trên 28 trạm thu phí tại quốc lộ 1 và quốc lộ 14, cho phép loại bỏ hoàn toàn việc phương tiện phải dừng lại khi qua trạm. Hệ thống có khả năng tự động nhận biết phương tiện tại trạm, trừ tiền qua tài khoản, công khai các số liệu này về trung tâm điều hành. Bộ GTVT yêu cầu các trạm thu phí áp dụng một dừng phải chuyển sang thu phí không dừng, nếu không thực hiện sẽ không cho phép thu phí.

Bộ GTVT cho biết, đối với các dự án BOT đã ký hợp đồng, đang triển khai đầu tư hoặc đã đưa vào khai thác, sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh giảm mức phí, giãn thời gian tăng phí và rút ngắn thời gian thu phí từ nguồn kinh phí còn dư của dự án, không bổ sung hạng mục vào dự án hoặc đầu tư các dự án, hạng mục theo kiến nghị của địa phương, dẫn đến việc đầu tư một nơi, thu phí một nẻo. Đồng thời, dừng đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu, trừ khi dự án nhận được sự đồng thuận khi tham vấn tất cả các đối tượng sử dụng đường, các tổ chức nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân các cấp khu vực dự án đi qua, bộ, ngành liên quan về mức phí, vị trí trạm thu phí, nội dung chủ yếu của dự án và được Thủ tướng chấp thuận.

Hiện cả nước có 71 trạm thu phí đang và sắp đi vào hoạt động; trong đó, có 60 trạm đáp ứng tiêu chuẩn khoảng cách 70 km giữa hai trạm, còn 11 trạm đang xem xét sáp nhập để giảm bớt mật độ. Với những trạm thu phí nằm trên các tuyến đường khác nhau, lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra tiêu chuẩn trong bán kính 50 km không có nhiều hơn ba trạm. Trong năm 2016, những bất hợp lý về khoảng cách, mật độ các trạm sẽ được điều chỉnh để bảo đảm hợp lý.

Có thể bạn quan tâm