Thiêng liêng Rừng Sác

NDO -

NDĐT- Cách đây đúng 46 năm, vào đêm 2 rạng sáng 3-12-1973, một lực lượng đặc biệt đã bất ngờ đánh sập Kho xăng Nhà Bè gây nổi kinh hoàng và khiếp đảm cho Mỹ, ngụy đồng thời gây sửng sốt trong toàn Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và những câu hỏi “ai đánh”, “đánh bằng cách nào”? Và câu chuyện về những chiến sĩ đặc công Rừng Sác (nay là Trung đoàn 10) đang được Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho phục dựng ngay tại Khu Di tích lịch sử Rừng Sác - Cần Giờ hôm nay.

Rừng Sác hôm nay.
Rừng Sác hôm nay.

Rừng Sác là một vùng ngập mặn, chằng chịt các con sông lớn, nhỏ chia cắt địa hình, quanh năm nước mặn, sình lầy và mọc đầy đước, sú, vẹt, mắm, bần… với diện tích khoảng 60 nghìn ha thuộc TP Hồ Chí Minh nhưng giáp ranh các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An và Biển Đông. Các nhà nghiên cứu trước 1975 cho rằng, Sài Gòn là trái tim, thì sông Lòng Tàu và sông Xoài Rạp là hai mạch chủ, thiên nhiên không chỉ cho ta một cánh rừng như mọi cánh rừng khác mà là một trận đồ thiên la địa võng như “mạng nhện”, bởi sông, rạch chằng chịt, hàng trăm đảo, nước triều dâng là thế trận bao vây quân thù xâm lăng từ cửa ngõ đại dương, cộng với thế trận lòng dân và sản vật sẵn có từ sông nước Rừng Sác đủ điều kiện trở thành một căn cứ kháng chiến lâu dài.

Đại tá Trần Văn Tâm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, đó là điều giải thích cho sự hình thành và tồn tại chiến khu Rừng Sác trong các cuộc chiến tranh trường kỳ kéo dài 30 năm, một chiến khu ở sát sào huyệt Sài Gòn trước đây của giặc, trong vòng vây của quân thù vẫn đứng vững suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nhân dân Rừng Sác - Cần Giờ từ lâu đời đã sống lam lũ với nghề đánh bắt cá, tôm. Họ tuy nghèo nàn nhưng phóng khoáng, hào hiệp, có thủy có chung, giàu lòng yêu nước, gan lì trong sóng to gió lớn, dũng cảm trong đạn bom khói lửa chiến tranh, đứng vững như cây đước, cây bần trên trận tuyến chống quân thù.

Cựu chiến binh Rừng Sác là Đại tá Nguyễn Hồng Thế kể trong những khó khăn cực kỳ gian khổ, Đoàn 10 không những chiến đấu với kẻ thù cầm súng là Mỹ - ngụy mà còn phải chiến đấu với khẻ thù tiềm ẩn trong dòng nước là cá sấu luôn rình rập trong các lòng sông, rạch bất thình lình tấn công. Đã có rất nhiều đồng chí hy sinh vì bị cá sấu tấn công ăn thịt và cũng có chiến sĩ dũng cảm đánh nhau với cá sấu mà hình ảnh được tái hiện lại tại khu di tích, đó là chiến sĩ Hoàng Dương Chương, quê Nam Định, nhập ngũ năm 1963. Trong một lần đi trinh sát thì bất ngờ đại liên của địch trên bờ bắn xối xả vào các chiến sĩ, Chương phải đạp xuồng lặn xuống nước thoát khoải vòng vây của địch. Chiến sĩ Chương đã bị thương ở phần mềm khuỷu tay trái và rách da cánh tay phải do bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục bơi vào rạch Chàm. Khoảng 2 giờ sáng, trong lúc đang bơi thì cá sấu từ phía sau lao tới đớp vào lưng và cả hai cánh tay anh nằm trọn trong miệng cá sấu. Anh đã chùng chân xuống, lấy thế, dùng hết sức đạp mạnh đẩy người lên, cá sấu tưởng mất mồi, nó há miệng xốc con mồi, thế là cánh tay trái của Chương giật ra khỏi miệng cá sấu. Anh lập tức lấy tay móc mắt, cá sấu há miệng táp lại mồi, tay phải anh giật ra khỏi miệng cá sấu, liền rút dao găm bên hông đâm chí mạng vào lỗ mũi nó, cá sấu lại há miệng, anh tuông người ra khỏi miệng cá sấu, chòi lên bờ, ngoái người nhìn lại thấy nó đang quạt nước lấy đà lao tới, nhanh như cắt, anh thoát được lên bờ nằm tại chỗ vì đau và mệt. Ngay trong đêm, anh được đồng đội đưa về bệnh xá cứu chữa, băng bó vết thương do răng cá sấu cắn khắp cả người. Từ đó Đoàn 10 nghĩ ra cách diệt cá sấu bằng cách dùng bánh thuốc nổ TNT và lắp kíp nổ vào lưng con vịt, thả vịt bơi ra sông Ông Kèo, cá sấu bám theo táp vịt bị nổ, ta diệt được nhiều cá sấu.

Tại Khu di tích còn có các hạng mục: Nhà Cảnh vệ với vòng ngoài gồm những bãi chông cọc đước, chông đinh, mìn và hỏa lực đánh chặn từ xa. Vòng trong bố trí các quả mìn ĐH để sẵn sàng đánh bật quân địch tiếp cận vào căn cứ; nhà đón tiếp dùng để tiếp khách hoặc có những chuyến hàng tiếp tế vào; hầm trú ẩn chữ A, chữ T, hầm chữ H; khu vực quân y, xưởng quân giới… cùng nhiều cảnh tái hiện chiến sĩ đeo dao găm, lựu đạn, ống thở và kẹp mũi; cảnh trữ nước mưa trong bồn bằng bạt nilon; cảnh nấu nước mặn thành nước ngọt.

Tuy Khu di tích chưa chính thức khánh thành song nhiều khách và các vị lãnh đạo, các cựu chiến binh Rừng Sác khi đến tham quan đều trầm trồ trước cảnh tái hiện: Chiến sĩ quân y tạo ra những chiếc xuồng bằng nilon, có các túi phao nổi chung quanh, tận dụng nước thủy triều để đưa thương binh về hậu cứ; sử dụng dao lam để mổ lấy đạn cho chiến sĩ; cảnh cưa bom để lấy thuốc nổ chế tạo vũ khí…

Theo cựu chiến binh Rừng Sác, Thượng tá Trần Ngọc Soạn, đầu năm 1966, đế quốc Mỹ đẩy mạnh “Chiến tranh cục bộ” nên Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác, mật danh là T10. Từ đây, đơn vị đặc công Rừng Sác được mang tên Đoàn 10 (Năm 1976, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được điều động về trực thuộc Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh và mang phiên hiệu Trung đoàn 10 cho đến ngày nay). Xác định sông Lòng Tàu là “đường giao thông thủy huyết mạch” cho việc vận tải quân sự từ Biển Đông về nội đô Sài Gòn, tướng Mỹ William Westmoreland (Oét-Mô-Len) - Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền nam Việt Nam, sau khi thị sát Rừng Sác nhận xét: “Sông Lòng Tàu là đường giao thông thủy huyết mạch”. Về phía ta cũng nhận định, Rừng Sác là địa bàn lý tưởng để đánh tàu vận chuyển trên sông. Địa bàn Rừng Sác - Cần Giờ là nơi giữa ta và địch xác định rất quan trọng có tính chiến lược. Năm 1966, với quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự ở hướng Đông - Nam Sài Gòn để khống chế con đường huyết mạch của địch là sông Lòng Tàu với bốn nhiệm vụ: Xây dựng một khu căn cứ bàn đạp vững chắc bảo đảm cho các lực lượng vũ trang của ta đứng vững, tấn công địch trong mọi tình huống; Chiến đấu đánh địch bằng mọi cách trên các dòng sông, chủ yếu là sông Lòng Tàu, kiên quyết tiêu diệt và phá hủy thật nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng; Kết hợp chặt chẽ tổ chức công tác Đảng, công tác quần chúng, tiến hành công tác vận động nhân dân, xây dựng cơ sở, phát động mạnh mẽ chiến tranh du kích trong toàn đặc khu; Bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển hàng chiến lược của Miền bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Nói về trận đánh vang dội vào Kho xăng Nhà Bè, cố Đại tá Lê Bá Ước (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10) từng ghi trong hồi ký: Kho được Mỹ xây dựng thành một quân cảng lớn để tiếp nhận phương tiện chiến tranh, đặc biệt là xăng dầu, bên cạnh cảng là một hệ thống kho hoàn chỉnh của ba hãng: Shell, Esco, Callex. Kho và cảng cùng lúc có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 8.000 đến 13.000 tấn vào bơm dầu. Shell là kho lớn nhất, rộng khoảng 14ha, có 72 bồn xăng dầu, phân nửa số bồn này có sức chứa 10 triệu lít, đây cũng là kho lớn nhất Việt Nam, cung cấp 60% lượng xăng dầu cho dân sự và quân sự ở miền nam Việt Nam.

Do tầm quan trọng đặc biệt, kho Shell được bảo vệ đặc biệt bởi 12 lớp hàng rào các loại, có loại thách thức bộ đội đặc công qua hàng chục lần đột nhập, ngoài các lớp rào, địch còn bố trí chó, ngỗng, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, đường tuần tra bộ và cơ giới… Trên sông có các tàu tuần tra từ xa, trên không có máy bay L19 quần đảo, máy bay C47 liên tục thả trái sáng để quan sát phát hiện ta.

Qua nhiều lần điều nghiên, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Đoàn 10 hạ quyết tâm đốt cháy Kho xăng Nhà Bè, nhiệm vụ được giao cho bảy đảng viên và một đoàn viên ưu tú cảm tình Đảng (thuộc Đội 5 của Đoàn 10) tham gia trận đánh.

9 giờ 30 phút đêm 2-12-1973, họ cùng ăn cơm dưới ánh sáng chập chờn bên hàng rào. Tám dũng sĩ nắm chặt tay nhau với câu nói cuối cùng trước trận đánh như một lời từ biệt: “Đồng chí nào về được, nhắn lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác”. Lần lượt các đặc công nhẹ nhàng bí mật vượt qua các hàng rào, các loại vật cản trước sự canh phòng cẩn mật của địch. Do đã được điều nghiên kỹ, các anh đã vào đúng vị trí đặt trái nổ xong thì rút ra điểm hẹn.

0 giờ 35 phút rạng sáng 3-12-1973, số lượng trái nổ đã đặt đồng loạt nổ, cả Kho xăng Nhà Bè chìm trong biển lửa sáng rực tới phía nam Sài Gòn, địch rú còi báo động, tàu xuồng chiến đấu chạy náo loạn trên sông. Giữa dòng sông Nhà Bè bao la, địch phát hiện ra hai đặc công là Bao, Tiềm. Chúng bao vây và bắt các anh đưa lên tàu, với ý chí chiến đấu, quyết không để sa vào tay giặc, cả hai anh nháy nhau rút chốt lựu đạn, cho lựu đạn nổ tiêu diệt hàng chục tên địch ngay trên tàu. Cả hai anh đã anh dũng hy sinh, địch đưa thi thể còn lại của họ vào chôn bên ngoài hàng rào kho. (Năm 2000, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, Trung đoàn 10 đã cất bốc hài cốt hai anh đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nhà Bè). Các đồng chí còn lại bằng mọi cách trở về căn cứ an toàn.

Thiếu tướng Trần Thành Lập, cựu chiến binh Rừng Sác nói, trận đánh đạt kết quả lớn, ta đốt cháy 35 triệu gallon xăng dầu, tương đương 250 triệu lít, 12 bồn bugata, một cơ sở trộn nhớt, một khu chứa lương thực, một khu nhà lính, một tàu dầu Hà Lan đang cặp cảng bơm dầu, tổng thiệt hại khoảng 20 triệu đô la Mỹ, trận đánh đã gây tiếng vang trên thế giới. Với thành tích đạt được, Đội 5 được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì; Đội cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Bốn cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân gồm Nguyễn Hồng Thế, liệt sĩ Hà Quang Vóc, liệt sĩ Nguyễn Công Bao, liệt sĩ Phạm Văn Tiềm; các đồng chí khác nhận Huân chương chiến công, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ bao gồm: Nguyễn Văn Rực, Trần Ngọc Sỹ, Hoàng Hữu Hinh, Đỗ Hải Quân.

Đứng bên tượng đài tưởng niệm liệt sỹ Rừng Sác, nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Rol xúc động: “Đoàn 10 đã kiên cường bám trụ, chịu đựng mọi gian khổ, ác liệt, cán bộ chiến sĩ ngày đêm bám trụ, tiến công và phục kích đánh địch. Trong chín năm, từ năm 1966 – 1975, với 595 trận đánh, Đoàn 10 đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên Mỹ - ngụy, bắn cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu và đánh chìm 133 tàu vận tải. Địch cũng ra sức càng quét, đồng thời rải bốn triệu lít chất độc hóa học với ý đồ lột da Rừng Sác. Đã có 862 liệt sĩ của Đoàn 10 là con em của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước hy sinh và vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt”.

Dưới đây là một số hình ảnh Khu Di tích lịch sử Rừng Sác - Cần Giờ:

Thiêng liêng Rừng Sác ảnh 1

Tượng đài Liệt sĩ Rừng Sác.

Thiêng liêng Rừng Sác ảnh 2

Tái hiện cảnh chỉ huy trận đánh Kho xăng Nhà Bè.

Thiêng liêng Rừng Sác ảnh 3

Tái hiện cảnh thề quyết tử trước khi xung trận.

Thiêng liêng Rừng Sác ảnh 4

Tái hiện cảnh cưa bom.

Thiêng liêng Rừng Sác ảnh 5

Tuy chưa khánh thành nhưng đã có nhiều đoàn khách trong, ngoài nước đến tìm hiểu lịch sử Rừng Sác, nơi có 862 liệt sĩ của Đoàn 10 là con em của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước hy sinh.