"Thiên chức" và "thiên lương" của người cầm bút

Xét theo lịch sử thì rất khó xác định từ khi nào mấy chữ "thiên chức" và "nhà văn" đã được lắp ghép để trở thành một tổ hợp từ "thiên chức nhà văn". Về phần mình, tôi tin tổ hợp ấy đã ra đời, được đề cao từ cái thời cuộc sống còn đơn giản, tri thức còn nghèo nàn, văn chương thi phú được đề cao, lao động trí óc thường chỉ thuộc về một tầng lớp xã hội nhất định và những văn nhân kiệt xuất được lưu danh không chỉ bằng những tác phẩm "để đời" mà còn bằng cả nhân cách hơn người. Xưa kia, tiền nhân ý thức rất nghiêm túc về "thiên chức nhà văn" và họ cố gắng hành xử sao cho "thiên lương" tương xứng với "thiên chức".

"Thiên lương" ấy không phải là một khái niệm trừu tượng, nó luôn được cụ thể hóa qua tình yêu thương con người trong tác phẩm và trong cuộc đời, là hành xử đầy nhân tính của nhà văn, là thái độ tích cực trong khi góp phần làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng qua mỗi ngày càng thêm lành mạnh. Thời gian qua đi, xã hội phát triển, đồng nghĩa với phát triển là sự đa dạng của cuộc sống, là chuyên môn hóa, chức năng hóa, là sự phong phú của nhu cầu cùng khả năng đáp ứng nhu cầu... Và con người ở thời hiện đại nếu muốn hoàn thiện, muốn cuộc đời mình có ý nghĩa thì phải nhập thân vào với vô số những giá trị văn hóa vật chất - tinh thần khác nhau. Một hệ thống phức tạp của xã hội đang vận hành, mỗi người mỗi việc, đến cả các nghề nghiệp tưởng như "hèn mọn" thì cũng có "thiên chức" riêng, có vinh dự riêng trước cộng đồng. Thử hình dung xã hội sẽ ra sao nếu những nghề nghiệp đơn giản, thông dụng lại không vận hành theo chức phận và như thế, hiển nhiên, "thiên chức nhà văn" cũng bình đẳng với mọi "thiên chức" khác.

Vậy nên gần đây những nhà văn nhà thơ chân chính đã không khỏi ưu tư khi thấy giữa cuộc đời và giữa làng văn, vẫn bắt gặp một vài nhà văn nhà thơ có chiều hướng tự xem "thiên chức" như một cái gì ghê gớm, rồi từ đó tự cho mình quyền được hơn người. Thế nên mới có chuyện bác lý luận phê bình này đứng trên bục giảng giương cao cái thẻ hội viên Hội Nhà văn để "dọa" sinh viên, bác nhà văn kia lăm lăm cái thẻ hội viên thay cho giấy thông hành, bác nhà thơ nọ tay viết những điều thiêng liêng nhưng miệng vừa liên tục phát ra thứ ngôn từ khiến người nghe phải đỏ mặt. Rồi kêu ca, rồi phàn nàn, rồi các thủ pháp được triển khai nhằm "hạ bệ đồng nghiệp" với những so sánh, ví von mà một người có văn hóa không thể cho phép mình viết ra... Thử hỏi văn chương sẽ có thể phát triển nếu nhà văn thiếu quan tâm đến nghề nghiệp mà quá chú tâm đến các công việc "ngoài văn chương"?... Và giữa sự trần tục của cuộc đời, giữa những tiếng ta thán lao xao, giữa những bài tham luận đầy rẫy những ngôn từ không xứng đáng với ngôn từ của nhà văn... lại thấy có tiếng thở dài vì văn chương như đang "thất bát, mất mùa" và những nhà văn nhà thơ hiểu thế nào là "thiên lương của ngòi bút" không khỏi tự vấn rằng phải chăng "thiên chức" của một số nhà văn nhà thơ đang đứng trước nguy cơ xuống cấp?

Cuộc sống còn nhiều việc phải làm, giữa bộn bề những việc phải làm ấy, người ta thấy không chỉ có văn chương. Qua rồi thời của các tao nhân mặc khách tháng ngày rong chơi, nhấm nháp một câu thơ hay, đắc ý một vần thơ đẹp. Hôm nay, "thiên chức nhà văn" vẫn là một giá trị cao quý của cuộc sống, song cần ý thức được rằng nó chỉ là một trong rất nhiều giá trị cao quý mà con người hiện tại cần phải có. "Thiên chức" cùng "thiên lương" của nhà văn nhà thơ vẫn đồng hành giữa cuộc đời, chúng biểu thị qua tác phẩm, qua hình ảnh giàu tính văn hóa của nhà văn nhà thơ trước công chúng. Sống hết mình, sáng tạo hết mình thì người đời sẽ nhớ đến anh. Vì dẫu thế nào thì điều làm nên tên tuổi một nhà văn, một nhà thơ trước sau vẫn phụ thuộc vào chất lượng nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm mà anh ta đem đến cho công chúng. Nếu nhà văn nhà thơ tự huyễn hoặc chỉ bằng cái danh, không có một thái độ tôn trọng và chia sẻ đồng nghiệp thì "thiên lương nhà văn" sẽ chẳng thấy đâu mà ngay đến "thiên chức nhà văn" cũng trở nên xa lạ!