Thị trường TP Hồ Chí Minh: Hàng hóa tiêu dùng dồi dào, giá cả ổn định

NDO -

Trong sáng ngày 15-2 (mùng 4 Tết), người dân ở TP Hồ Chí Minh đi mua sắm cũng còn thưa thớt như ngày 14-2. Trước đó, từ sáng ngày 13-2 (mùng 2 Tết), nhiều đơn vị bán lẻ đã khai trương và mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng.

Người dân mua rau, củ, quả, rau xanh tại siêu thị Co.opmart Quang Trung (quận Gò Vấp) sáng 15-2.
Người dân mua rau, củ, quả, rau xanh tại siêu thị Co.opmart Quang Trung (quận Gò Vấp) sáng 15-2.

Theo ghi nhận, tại các chợ truyền thống lớn như chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Hòa Bình (quận 5)…, hàng hóa đều dồi dào và phong phú, giá cả tương đối ổn định, gần như không tăng giá so với những ngày trước Tết.

Còn tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Lotte Mart…, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đã được áp dụng để thu hút khách hàng.

Tuy vậy, trong những ngày này, người dân chủ yếu đi chợ truyền thống để mua những mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt, thủy sản, hải sản…), rau, củ, quả, hoa tươi để cúng tiễn ông bà và đổi món, đổi khẩu vị ẩm thực. Còn tại các siêu thị, quang cảnh mua sắm khá vắng vẻ, lác đác, cảnh mua hàng diễn ra chủ yếu ở các quầy thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả…

Từ nhiều năm gần đây, người dân TP Hồ Chí Minh đã không còn thói quen tích trữ lương thực, thực phẩm để ăn Tết. Đó là nhờ chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị cùng các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm tiện lợi… Nhờ vậy, giá cả hàng hóa đã giảm sâu trong những ngày trước tết (mức giảm giá tới 50%) và tương đối ổn định trong những ngày sau tết, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm thông thường.

Trong ngày 14 và 15-2, chỉ có một số mặt hàng hải sản, rau xanh và hoa tươi là tăng giá nhẹ so với trước tết, do ngư dân và nông dân nghỉ tết nên nguồn cung tạm thời bị gián đoạn. Nhu cầu cúng tiễn ông bà trong hai ngày 14 và 15-2 cũng góp phần làm giá gà và hoa tươi tăng nhẹ so với ngày thường, giá gà ta tăng khoảng 10% (dao động quanh ngưỡng 100 nghìn đồng/kg), giá rau xanh tăng khoảng 20% đến 30% (tùy loại).

Tuy vậy, trong các siêu thị có tham gia chương trình bình ổn thị trường như hệ thống siêu thị Co.opmart, giá hàng hóa vẫn được giữ ổn định; nhiều mặt hàng rau, củ, quả, trái cây… còn được giảm giá so với ngày thường.

Điển hình, tại siêu thị Co.opmart Quang Trung (quận Gò Vấp), giá cà chua (giống Hà Lan, được trồng ở Lâm Đồng) được giảm giá từ 35 nghìn đồng/kg còn 20 nghìn đồng/kg, dưa leo đạt tiêu chuẩn VietGAP (trồng ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) giảm giá từ 23.500 đồng/kg còn 14 nghìn đồng/kg, đậu bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP (trồng ở Bình Chánh, Củ Chi) giảm giá từ 34.500 đồng/kg còn 15.500 đồng/kg, bưởi năm roi giảm từ 37.500 đồng/kg còn 33.500 đồng/kg và còn được khuyến mãi mua một trái được tặng một trái, bưởi da xanh loại 1 (xuất xứ Bến Tre, Tiền Giang) giảm giá từ 49.500 đồng/kg còn 41 nghìn đồng/kg…

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tiếp tục thực hiện đúng cam kết trong việc cung ứng hàng bình ổn, bảo đảm giá bán phải thấp hơn ít nhất từ 5% đến 10% so với giá thị trường, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình giảm giá; riêng mặt hàng thịt heo bình ổn đã được chốt giá bán từ ngày 12-1 đến 12-3-2021.

Để có thể mua được thịt heo bình ổn giá, người dân nên đến các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty cổ phẩn Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), hệ thống siêu thị Big C…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối cũng đã đưa thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thuỷ sản, hải sản, rau, củ, quả và thực phẩm chế biến vào diện bình ổn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân.

Tết bình an