Thị trường Tết bắt đầu nóng

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường Hà Nội đã bắt đầu sôi động. Hàng hóa dồi dào, phong phú, giá bình ổn với nhiều chương trình khuyến mãi. Năm nay, nhiều người dân có xu hướng mua sắm sớm hơn mọi năm, do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các giỏ quà Tết được bày bán tại siêu thị Aeon Long Biên.
Các giỏ quà Tết được bày bán tại siêu thị Aeon Long Biên.

Các điểm bán hoa, cây cảnh Tết thời vụ cũng đã được dựng lên trên nhiều tuyến như đường Cổ Linh (quận Long Biên), đường Văn Phú (quận Hà Đông), đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)… Thành phố Hà Nội cũng giao các địa phương bố trí, triển khai 78 điểm chợ hoa Xuân phục vụ người dân sắm Tết.

Chơi quất, sắm đào từ sớm

Khác với mọi năm, người dân thường đợi tầm sát Tết mới sắm sửa, thì năm nay, người dân Hà Nội chơi hoa Tết khá sớm. Nhìn chung, giá các mặt hàng này không có nhiều biến động so với năm trước, với nhiều mức giá khác nhau cho người dân chọn lựa. Các loại đào cành có giá 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/cành; những cành to được tạo dáng cầu kỳ có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng; đào thế có giá từ một đến 10 triệu đồng/chậu. Các cành hoa mận cũng được bày bán nhiều, giá từ 250 nghìn đồng/cành trở lên tùy kích cỡ. Đối với quất cảnh, thị trường năm nay thiên về dáng cây nhỏ hoặc cây tạo thế tự nhiên, trồng trong các chậu gốm, đất nung, mức giá phổ biến dưới 1 triệu đồng/chậu. Các loại bưởi cảnh, cam Canh có giá từ vài triệu đồng mỗi chậu. Giá các loại hoa lan hồ điệp cũng ổn định, nhiều loại giảm tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiều chủng loại, nhưng năm nay, mặt hàng bán chạy lại chủ yếu là các cành đào nhỏ, chậu quất bonsai hoặc chậu lan tầm một, hai triệu đồng/chậu. Chị Nguyễn Thanh Thư ở đường Nguyễn Văn Cừ ( quận Long Biên) chia sẻ: “Để tăng không khí vui tươi của ngày Tết, gia đình tôi đã mua đào, quất từ sớm. Tuy nhiên, do thu nhập giảm sút nên tôi chỉ chọn mấy chậu nhỏ, giá tiền vừa phải từ 200 đến 500 nghìn đồng để bày trong nhà”. Tại các cửa hàng chuyên hoa lan chơi Tết bày nhiều chậu lan to, giá vài chục triệu đồng/chậu, nhưng lượng khách đặt mua không nhiều như mọi năm. Hầu hết các gia đình chọn các loại cây cảnh có kích thước nhỏ và trung bình, không quá cầu kỳ trong chăm sóc, phù hợp trang trí nhiều không gian trong nhà, giá bình dân.

Anh Nguyễn Đức Anh, chủ cửa hàng hoa lan hồ điệp trên đường Cổ Linh (quận Long Biên) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên quá trình vận chuyển hoa, cây cảnh khó khăn hơn mọi năm. Cây hoa mai từ các tỉnh miền nam có số lượng khá ít, do giá cước vận chuyển tăng, nên các thương lái ngại đem về Hà Nội bán”. Tâm lý chung của người bán hoa, cây cảnh năm nay là bán sao cho hết hàng, không om hàng đợt sát Tết bởi cũng không biết được tình hình dịch diễn biến ra sao. Nhiều chủ hàng đẩy mạnh kênh bán hàng online hoặc livestream để tiếp cận những khách ngại đi mua trực tiếp. Nhờ đó năm nay, lượng tiêu thụ qua kênh trực tuyến tăng từ 20 đến 30% so với các năm trước.

Thực phẩm dồi dào, giá ổn định

Bên cạnh các loại hoa, cây cảnh Tết, các mặt hàng thực phẩm bắt đầu được tiêu thụ nhiều hơn. Tại các cửa hàng, siêu thị, hàng hóa được bày đầy ắp kệ hàng, nhất là các loại giỏ quà Tết, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát, đồ gia dụng… Không chỉ chủ động dự trữ nguồn hàng dồi dào, các doanh nghiệp còn triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, giảm giá khuyến mại để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Hệ thống siêu thị GO!/Big C triển khai đồng loạt các chương trình khuyến mãi như “Giá luôn luôn thấp” (áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu); khóa giá (cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh). Các hệ thống Winmart, Co.op Mart, MM Mega Market... cũng giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm. Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân đánh giá, nhu cầu của khách hàng đang tăng cao, không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống, mà còn ở những dòng sản phẩm Tết như đồ khô, kẹo mứt cũng tăng trưởng.

Nhằm thích ứng với tình hình dịch Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ đều đẩy mạnh các kênh bán hàng, thanh toán online. Tops Market, siêu thị Aeon… đã triển khai máy thanh toán tự động, các quầy tự thanh toán qua thẻ ATM hoặc ứng dụng thanh toán trên điện thoại. Những giải pháp này góp phần tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, đồng thời, hạn chế tiếp xúc, góp phần bảo đảm an toàn trong mùa dịch. Các kênh bán hàng qua trang web, Facebook, Zalo, điện thoại… cũng được các doanh nghiệp tăng cường hơn trước, kết hợp với miễn phí giao hàng.

Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, vừa phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết vừa thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ trong nước, giảm áp lực cho hoạt động xuất khẩu. Dự báo, sức mua dịp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá đột biến trong Tết, ngành công thương đã yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường. Trong đó chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.