Kết thúc phiên 27/4, giá bạc giảm 0,4% về 23,5 USD/ounce, còn giá bạch kim cũng đóng cửa thấp hơn 0,2% về 910,4 USD/ounce.
Trong vòng chưa đầy 2 tuần, giá của cả bạc và bạch kim đều đã thấp hơn 10%. Đây cũng là yếu tố khiến cho các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về việc tại sao dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý trong bối cảnh lạm phát gia tăng như hiện nay.
Bên cạnh vàng, ngày càng có nhiều quỹ đầu tư lớn, và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ coi đây là một kênh đầu tư trú ẩn nhờ đặc tính quý hiếm của cả 2 kim loại này. Chính vì vậy, mà diễn biến giá của bạc và bạch kim chịu tác động lớn từ các yếu tố vĩ mô, tin tức lạm phát trên toàn thế giới, đặc biệt là diễn biến giá của đồng USD.
Dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý trước lo ngại FED tăng lãi suất
Sau thời gian gần 2 năm duy trì lãi suất ở mức 0-0,25% để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển, FED đã lần đầu tiên tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 3 vừa qua, và tiếp tục có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ cứng rắn hơn.
Trong cuộc họp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã đưa ra những tín hiệu cho thấy cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản để kiềm chế mức lạm phát đang cao ngất ở Mỹ.
Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, và vẫn là mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 3 cũng tăng cao kỷ lục 11,2%, mức tăng hàng năm, cao nhất kể từ tháng 11/2010 chủ yếu do ảnh hưởng của việc giá năng lượng leo thang.
Những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát của FED đã giúp cho đồng USD lấy lại vị thế, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index (DXY), thước đo giá trị của đồng USD so với một loạt các đồng tiền của các nước phát triển khác, tăng lên 103.1 điểm.
Đáng chú ý, chỉ số này chưa từng tăng lên mức cao như hiện nay, kể từ tháng 3/2020, tức là thời điểm dòng tiền bị rút khỏi toàn bộ các thị trường tài chính thế giới vì đại dịch Covid-19 bùng phát. Có thể thấy, các nhà đầu tư cũng đang tiến hành nâng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt, và rút bớt vốn khỏi các thị trường đầu tư trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh cũng đang thu hút các nhà đầu tư hơn so với vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý, bởi các thị trường đầu tư đang trở nên nhiều rủi ro hơn do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và diễn biến của dịch Covid-19 đe dọa chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Theo báo cáo Cam kết Thương nhân (COT Report) của của Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai (CFTC), các quỹ đã mạnh tay cắt giảm số vị thế mua đối với các thị trường kim loại quý. Các tổ chức tài chính vẫn duy trì trạng thái mua ròng (số vị thế mua lớn hơn số vị thế bán) với thị trường bạc, tuy nhiên con số này đã giảm trong 4 tuần liên tiếp.
Trên thị trường bạch kim, trạng thái quỹ có lần đầu tiên chuyển từ “mua ròng” sang “bán ròng” trong tuần thứ 2 của tháng 4, và mặc dù đã phục hồi lại trạng thái mua ròng từ tuần trước, nhưng mức chênh lệch giữa số vị thế bán và số vị thế mua chỉ chưa tới 500 lot, phản ánh việc các quỹ đầu tư lớn đã và đang “lũ lượt” rút vốn khỏi các thị trường kim loại quý vì lo ngại FED tăng lãi suất.
Liệu thị trường kim loại quý có tiếp tục lao dốc sau cuộc họp tháng 5?
Hiện nay, không chỉ có các nhà đầu tư kim loại quý, mà gần như toàn bộ giới tài chính đều hướng về cuộc họp tháng 5 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), để đón chờ những thay đổi trong chính sách tiền tệ của FED. Công cụ CME Watchtool đang cho thấy gần như 100% xác suất FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Việc Ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng dài hạn của thị trường kim loại quý. Đồng USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên giá bạc và bạch kim, và nguồn cung tiền giảm đồng nghĩa với việc dòng tiền sẽ bị rút bớt khỏi các thị trường tài chính, trong đó có cả thị trường kim loại quý.
Tuy nhiên, các chính sách thường mất nhiều thời gian mới có thể mang lại những hiệu quả rõ rệt, và rất có thể trong ngắn hạn việc tăng lãi suất còn có thể mang lại những tác động tiêu cực vượt ra khỏi biên giới Mỹ.
Ngoài ra, những bất ổn địa chính trị giữa Nga Và Ukraine cũng đang thúc đẩy nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhất là trong bối cảnh triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn còn mờ mịt. Bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột, hay tình hình dịch Covid-19 ngày một phức tạp, vốn đã đè nặng lên mức tăng trưởng dự báo, cũng sẽ làm gia tăng sức hấp dẫn đối với bạc và bạch kim.