Thị trường kim loại diễn biến “giằng co” do sức ép của đồng USD

NDO - Khép lại ngày giao dịch ngày 27/3, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi 0,52% lên 24,75 USD/ounce chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật. Trái lại, giá bạch kim quay đầu giảm 1,19%, dừng chân tại 909,7 USD/ounce, do chịu sức ép bởi đồng USD tăng giá.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Chốt phiên, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 104,37 điểm, tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây. Đồng bạc xanh vẫn đang được củng cố nhờ bức tranh lạc quan của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, việc dòng tiền dịch chuyển mạnh mẽ sang thị trường chứng khoán với cả ba chỉ số chính đều phục hồi trong sắc xanh đã làm giảm dòng tiền nắm giữ kim loại quý, từ đó gây sức ép lên giá bạch kim.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục trải qua một phiên giao dịch giằng co do thông tin cơ bản đang khá trái chiều. Chốt phiên, giá đồng neo tại mức 4 USD/pound sau khi giảm 0,21%.

Thị trường kim loại diễn biến “giằng co” do sức ép của đồng USD ảnh 1

Theo số liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng ngày 27/3, lợi nhuận công nghiệp trong hai tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 10,2% so cùng kỳ năm ngoái, kéo dài chuỗi tăng kể từ tháng 8 cho thấy nền kinh tế nước này khởi sắc hơn. Trước đó, dữ liệu cũng chỉ ra sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định tăng vượt dự kiến trong hai tháng đầu năm. Những dữ liệu tích cực này phần nào giúp củng cố sự lạc quan trên thị trường, vì thế giá đồng cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, yếu tố này chỉ mang tính chất trấn an tâm lý thị trường và giá đồng vẫn đang phải chịu sức ép do tiêu thụ yếu. Bất chất việc các nhà sản xuất Trung Quốc hạn chế sản lượng, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn liên tục tăng và hiện đã vượt 285.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Điều này cho thấy nhu cầu vẫn còn trầm lắng và chưa cần thiết phải rút đồng từ các kho dự trữ.

Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt giảm phiên thứ hai liên tiếp với 2,78% về 100,45 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một tuần trở lại đây. Áp lực từ yếu tố tiêu thụ vẫn đang đè nặng lên giá quặng sắt. Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Mysteel cho biết, trong một báo cáo, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày trong tháng 4 của Trung Quốc dự kiến ở mức 2,25 triệu đến 2,26 triệu tấn, thấp hơn nhiều so mức 2,45 triệu tấn cùng kỳ năm trước.