Đáng chú ý, trái với xu hướng giảm của giá hàng hóa, dòng tiền đầu tư đến thị trường hàng hóa vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhờ ưu thế của thị trường giao dịch hai chiều T0. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt gần 34%, đạt 6.400 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 3 tháng trở lại đây.
Giá dầu quay đầu lao dốc
Giá dầu đã có phiên lao dốc trong ngày giao dịch 22/6, với dầu WTI đánh mất hơn 4% giá trị xuống còn 69,5 USD/thùng, xóa bỏ mọi đà tăng tích lũy trong vòng 1 tuần qua. Giá dầu Brent cũng giảm 3,86%, chốt phiên ở mức 74,14 USD/thùng.
Việc Ngân hàng Anh bất ngờ tăng lãi suất lớn hơn dự kiến đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tiêu thụ nhiên liệu và gây sức ép tới giá dầu. Thông tin này đã lấn át dữ liệu mang tính hỗ trợ cho giá dầu trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Cụ thể, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2 để tăng lãi suất cơ bản từ mức 4,5% lên 5%, tương đương 50 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi lạm phát và tăng trưởng tiền lương tại Anh tăng cao hơn dự kiến trong tháng 5/2023.
Điều này hoàn toàn gây bất ngờ cho thị trường, do trước đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất sẽ chỉ tăng 25 điểm cơ bản. Lãi suất được đẩy lên cao sẽ tạo áp lực cho tăng trưởng và ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô, là nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên.
Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào đêm qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, hầu hết các nhà hoạch định chính sách cho rằng sẽ có thêm một hoặc hai đợt tăng 25 điểm lãi suất nữa vào cuối năm nay. Lãi suất của các nền kinh tế lớn liên tục tăng khiến rủi ro suy thoái tiềm ẩn và tác động tiêu cực tới giá dầu thô.
Giá vàng hôm nay: Vàng có nguy cơ bị bán tháo sâu hơn
Báo cáo từ EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/6, nhưng cũng không đủ sức hỗ trợ giá dầu khi sức ép vĩ mô lấn át. Thêm vào đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất trong tuần trước đều ghi nhận mức tăng nhẹ lần lượt 0,5 và 0,4 triệu thùng.
Điều này phản ánh bức tranh tiêu dùng còn hạn chế trong mùa di chuyển cao điểm. Nhu cầu dầu thô đối với hoạt động lọc hóa dầu tại các nhà máy tại Mỹ cũng giảm nhẹ 116.000 thùng/ngày xuống mức trung bình 16,47 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm lưu trữ chính và là điểm giao cho các hợp đồng dầu thô tương lai của Mỹ, đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, đạt 42,1 triệu thùng, do các nhà máy lọc dầu ở Trung Tây ngừng hoạt động làm giảm nhu cầu, và dòng chảy nhập khẩu cao hơn từ Canada.
Giá đường giảm sâu trước triển vọng nguồn cung tích cực của Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6, ngoại trừ sự khởi sắc của cà-phê Robusta, sắc đỏ hoàn toàn bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Giá Robusta tăng 0,84% so với tham chiếu sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó. Thị trường tiếp tục neo theo những thông tin cơ bản về lo ngại khan hiếm nguồn cung tại các nước sản xuất hàng đầu.
Cụ thể, tồn kho cà-phê gần như đã cạn kiệt tại Việt Nam và không thể được bổ sung ở thời điểm hiện tại do lượng hàng nông dân nắm giữ không còn trong khi vụ thu hoạch mới chưa thể sớm bắt đầu.
Cùng với đó, triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 kém tích cực tại cả Brazil và Indonesia khiến nông dân 2 nước này dè dặt hơn trong việc bán hàng niên vụ mới, dù cho hoạt động thu hoạch đang diễn ra.
Ở chiều ngược lại, giá cà-phê Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần khi những tín hiệu nguồn cung đang dần hồi phục làm lu mờ đi lo ngại nguồn cung ở mức thấp trước đó.
Hoạt động thu hoạch cà-phê diễn ra tích cực tại vùng canh tác của Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà-phê lớn nhất Brazil, với 21,74% kế hoạch, cao hơn 2 năm trước. Kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24, làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Trong khi đó, dẫn đầu đà giảm của nhóm trong phiên hôm qua là mặt hàng đường thô với mức giảm gần 4% so với tham chiếu. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil đã phần nào hạn chế những lo ngại về nguồn cung ở mức thấp khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.
Đánh giá của giới phân tích cho thấy, hoạt động sản xuất đường đang diễn ra tích cực tại khu vực Trung Nam, vùng sản xuất đường chính của Brazil, đưa đến kỳ vọng sản lượng sẽ mở rộng hơn trong thời gian tới.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ đường cũng đang tương đối ảm đạm, đặc biệt là các nước tiêu thụ chính như Trung Quốc. Trong tháng 5 vừa qua, mức nhập khẩu đường của quốc gia này đã giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước, khiến thị trường lo ngại tốc độ hồi phục tiêu thụ đường toàn cầu không được như kỳ vọng, từ đó gây sức ép kéo theo mức sụt giảm mạnh của giá trong ngày hôm qua.