Kết thúc phiên 14/2, giá dầu WTI giảm 1,35% xuống 79,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 1,19% về mức 85,58 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu thô đều đang đi ngang trong biên độ rộng kể từ đầu tháng 12 tới nay, với giá dầu WTI đã giằng co từ 70-73 USD, còn giá dầu thô Brent có khoảng giao dịch từ 75-89 USD.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nguyên nhân chính cho diễn biến giá này đến từ việc thị trường dầu đang chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều tin tức bao gồm cả yếu tố cơ bản và yếu tố vĩ mô, tuy nhiên, không có một chất xúc tác nào đủ mạnh để dẫn dắt và hình thành xu hướng cho thị trường.
Cán cân cung cầu dưới góc nhìn của các tổ chức lớn
Thị trường dầu bước sang năm 2023 với kỳ vọng nền kinh tế thứ hai thế giới - Trung Quốc mở cửa trở lại, sẽ trở thành động lực của nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường dầu thô nói riêng.
Tác động của yếu tố này lên cán cân cung cầu, thường được cập nhật trong báo cáo của các tổ chức lớn như Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong báo cáo tháng 1 vừa được công bố, EIA dự báo nhu cầu trong năm 2023 đạt 100,47 triệu thùng/ngày, với riêng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng 700.000 thùng/ngày.
OPEC có quan điểm tích cực hơn khi cho rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ cán mốc 101,87 triệu thùng/ngày, tăng 2,32 triệu thùng so với năm 2022. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nhu cầu sẽ cải thiện mạnh mẽ nhất trong quý I, giảm nhẹ trong quý II và tăng trong nửa cuối năm nay.
Về phía nguồn cung, EIA, ước tính nguồn cung dầu trong năm 2023 đạt 101,1 triệu thùng/ngày và sẽ có xu hướng vượt trội so với nhu cầu kể từ quý IV năm nay, do tác động từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
OPEC tính toán rằng, để đáp ứng tiêu thụ dầu, nhóm sẽ cần bơm thêm 29,42 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Mặc dù vậy sẽ không dễ dàng để các thành viên đáp ứng được con số này, khi mà sản lượng tháng 1 của nhóm chỉ đạt 28,87 triệu thùng/ngày, với mức sụt giảm lớn nhất lên tới 156.000 thùng từ thành viên chủ chốt, Saudi Arabia.
Đồng thời, OPEC cũng dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 900.000 thùng trong năm 2023, cao hơn đáng kể so với mức cắt giảm 500.000 thùng mới được Nga công bố vào cuối tuần trước.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam, cán cân cung cầu của thị trường trong năm 2023 ở trong trạng thái cân bằng hơn so với một năm trước đây, tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ khó có nhà sản xuất nào có thể bù đắp khoảng trống về nguồn cung mà Nga để lại, nên đây vẫn là một yếu tố hỗ trợ với giá dầu.
Hiện nay, do sự hạ nhiệt của giá dầu thế giới, giá xăng trong nước ta cũng đang giảm gần 30% so với mức đỉnh được thiết lập vào quý II/2022. Sau kỳ điều hành giá mới nhất vào ngày 13/2 vừa qua, giá xăng E5RON92 hiện không cao hơn 22.869 đồng/lít và giá xăng RON95-III, không vượt quá 23.767 đồng/lít.
Áp lực lãi suất hạ nhiệt, tạo lực đỡ dài hạn
Thị trường dầu thô cũng là một thị trường đầu tư tài chính lớn trên thế giới, nên chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sẽ có tác động trực tiếp đến giá dầu.
Cả hai mặt hàng dầu thô Brent và dầu thô WTI đều được niêm yết bằng đồng USD, nên khi FED thay đổi lãi suất, không chỉ các nhà đầu tư, mà các công ty kinh doanh và xuất nhập khẩu dầu thô cũng sẽ chịu tác động rất lớn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố vào hôm qua dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn so với mức dự báo. Cụ thể, CPI tăng 6,4% so với một năm trước và cao hơn dự báo là 6,2%. CPI lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) vẫn cao hơn 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mức lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với lạm phát kỳ vọng của FED là 2% sẽ khiến cho các nhà hoạch định chính sách tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa. Công cụ theo dõi lãi suất của CME đang cho thấy, FED có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào 3 cuộc họp sắp tới để đưa mức lãi suất điều hành lên 5-5,25%.
Động thái này có thể khiến cho đồng USD tăng giá và gây sức ép lên cả các hoạt động kinh doanh và đầu tư dầu trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, hiện lạm phát của Mỹ đang có dấu hiệu giảm mạnh rõ rệt so với các khu vực khác trên thế giới như Anh, hay EU, nên FED có thể sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong quý II của năm nay.
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, áp lực lạm phát, lãi suất có thể tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, và kìm hãm giá dầu nói riêng. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm nay, nhà đầu tư có thể đón nhận triển vọng tươi sáng hơn, với sự phục hồi rõ ràng đến từ các ngành tiêu thụ nhiều nhiên liệu như sản xuất, du lịch.