Giá dầu thế giới đã giảm trong phiên giao dịch ngày 2/12, trước cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (nhóm OPEC+). Giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 giảm 1,5%, xuống 79,98 USD/thùng. Có cùng mức giảm, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2 còn 85,57 USD/thùng. Theo giới chuyên gia, do có nhiều bất ổn trên thị trường, nhiều khả năng OPEC+ sẽ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu tại cuộc họp hôm nay 4/12.
Một yếu tố ảnh hưởng lớn tới giá dầu là việc Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, dự kiến có hiệu lực từ ngày mai 5/12. Ba Lan ngày 2/12 thông báo nước này đã nhất trí với thỏa thuận của khối áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, qua đó cho phép EU hướng tới mục tiêu chính thức thông qua thỏa thuận. Ba Lan trước đó trì hoãn phê duyệt thỏa thuận để nghiên cứu cơ chế điều chỉnh nhằm giữ mức trần giá dầu thấp hơn giá thị trường.
Nội bộ EU đã tranh luận suốt nhiều ngày qua về các chi tiết, trong đó bổ sung một số điều kiện vào thỏa thuận. Sau động thái “bật đèn xanh” của Ba Lan, Séc cho biết trong vai trò Chủ tịch luân phiên của EU đã triển khai các thủ tục để các nước thành viên EU chính thức thông qua thỏa thuận.
Cùng ngày, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia xác nhận đã đạt đồng thuận về việc áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Trong tuyên bố chung của G7 và Australia mang tên Liên minh giá trần, các nước cho biết có thể cân nhắc thêm các hành động để bảo đảm hiệu quả của việc áp giá trần, tuy nhiên không nêu cụ thể về những hành động đó.
Phản ứng sau động thái của EU và G7, một thành viên Quốc hội Nga nhấn mạnh, việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là vi phạm nguyên tắc thị trường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (M.Da-kha-rô-va) cho rằng, chính sách áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga có thể làm phức tạp thêm tình hình thị trường toàn cầu. Nga sẽ không cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia ủng hộ sáng kiến chống Moskva này.