Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

NDO - Bộ Xây dựng vừa có thông cáo báo chí về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4/2022 và cả năm 2022. Theo dự báo, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án nhà ở tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một dự án nhà ở tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Gia tăng doanh nghiệp giải thể

Theo Bộ Xây dựng, trên cả nước trong quý 4/2022 có 22 dự án với 5.995 căn được cấp phép, bằng 61,1% so với quý 3/2022 và bằng khoảng 45% so cùng kỳ năm 2021; có 466 dự án với 228.029 căn đang triển khai xây dựng bằng 40,6% so với quý 3/2022 và bằng 44,6% so cùng kỳ năm 2021; có 28 dự án với 3.258 căn đã hoàn thành xây dựng, bằng 164,7% so với quý 3/2022 và khoảng 60% so cùng kỳ năm 2021.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng gần 14%; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 2.081, tăng khoảng 56,7%. Đáng nói, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng 38,7% so cùng kỳ năm trước, với gần 1.200 doanh nghiệp.

Ngoài việc phá sản, giải thể, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể trên thực tế còn cao hơn rất nhiều so với báo cáo.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm từ 60-70% lượng nhân sự đi kèm với cắt giảm lương, một số công ty buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ. Ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so giai đoạn đầu năm.

Dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ông Phạm Lâm, Chủ tịch Chủ tịch DKRA Group cho biết, những khó khăn chồng chất thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Cụ thể, tính đến hết năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản giải thể nhiều hơn so với thời kỳ bùng phát Covid-19 (2020-2021), với 1.200 doanh nghiệp, tăng khoảng 43,9%. Số doanh nghiệp dừng hoạt động có thời hạn ước tính 2.379 doanh nghiệp, tăng khoảng 50,7%, cao nhất so với các năm trước đó.

Nhiều giải pháp ổn định thị trường

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động gặp khó khăn trong năm 2022 chủ yếu do là thiếu nguồn vốn. Cụ thể, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng, dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra là các vấn đề như thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư. Các doanh nghiệp gặp khó trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, ngoài khó khăn do không tiếp cận được nguồn vốn thì 70% khó khăn của các dự án bất động sản là do vướng mắc về pháp lý. Theo ông Châu, nếu không sớm có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc về pháp lý này thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, dẫn đến bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng giao tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; đồng thời đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản...

Bộ cũng đề nghị các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, cũng phải đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường.