Thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa trong giai đoạn cách ly xã hội

NDO -

NDĐT - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa, nhằm hỗ trợ người dân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cách ly xã hội để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 18-4.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi khai trương nền tảng khám, chữa bệnh từ xa.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi khai trương nền tảng khám, chữa bệnh từ xa.

Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, để hỗ trợ người dân được chăm sóc y tế khi họ không thể đến bệnh viện được, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa tới các hộ gia đình.

Bộ Y tế đã lựa chọn Bệnh viện của Trường Đại học Y Hà Nội để làm thí điểm triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu mô hình thí điểm này hiệu quả, Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ phối hợp triển khai mở rộng quy mô tại các địa phương khác trong cả nước.

GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sau khi được Bộ Y tế lựa chọn, trường đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xem xét phối hợp với một số bệnh viện có điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mô hình bệnh tật phù hợp.

Buổi khai trương nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa dự kiến sẽ có 10 điểm cầu được tổ chức: Điểm cầu tại Bộ Thông tin - Truyền thông, tại Bộ Y tế, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), điểm cầu Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) và bốn điểm cầu cơ sở khác ở nhà bệnh nhân tại Hà Nội, Thanh Hóa.

Mục đích của việc mô hình khám, chữa bệnh từ xa là giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tải cho các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, đồng thời, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Để chuẩn bị cho chương trình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bố trí Trung tâm điều hành Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với bốn đầu cầu đại diện cho các vùng: Đầu cầu Mường Khương (Laò Cai), Thành phố Hà Tĩnh, Quảng Xương (Thanh Hóa) và Hà Nội.

GS Tạ Thành Văn cho biết, trong buổi khai trương nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, sẽ ra mắt ứng dụng Bluezone phòng, chống Covid-19. Đây là ứng dụng mới hỗ trợ người dân và cơ quan chức năng phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 dựa trên công nghệ Bluetooth (BLE) với các tính năng đột phá: Tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân. Thông tin cá nhân chỉ được lưu giữ trong điện thoại của người dân, được mã hóa bảo vệ. Mã nguồn ứng dụng sẽ được công bố dưới dạng nguồn mở để tạo sự minh bạch đối với xã hội.