Tuổi trẻ Lối sống

Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển

Từ di tích lịch sử cách mạng bến K15 Đồ Sơn, đoàn viên, thanh niên cả nước sẽ có những trải nghiệm mới mẻ trên hải trình đặc biệt "Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển" để hiểu rõ hơn về những trang vàng chói lọi trong sự nghiệp thống nhất đất nước của các thế hệ cha anh.

Bến K15 là nơi xuất phát đầu tiên của những con tàu không số đi chi viện cho chiến trường miền Nam, khai thông con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Bến K15 là nơi xuất phát đầu tiên của những con tàu không số đi chi viện cho chiến trường miền Nam, khai thông con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Cách đây 60 năm, trước yêu cầu chi viện cho miền nam ruột thịt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Tàu vận tải quân sự, Hải quân nhân dân ngày nay), đánh dấu sự ra đời "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Giống Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đây là "huyết mạch" nối liền hậu phương miền bắc với tiền tuyến miền nam trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Trong gần 14 năm, "Đoàn tàu không số" đã vượt qua khoảng bốn triệu hải lý, thực hiện hơn 1.900 lượt vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hậu cần và hơn 80 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi, dũng cảm quên mình bảo vệ tàu, hàng hóa, bí mật của con đường chiến lược.

Nhằm tái hiện, làm sâu sắc hơn ý nghĩa của những chiến công nêu trên trong thế hệ trẻ, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức cuộc thi trắc nghiệm "Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển". Cuộc thi mô phỏng hải trình thực tế của các "Đoàn tàu không số", dành cho mọi đoàn viên, thanh niên cả nước.

Để tham gia cuộc thi, thí sinh truy cập địa chỉ http://doantaukhongso.vn và trả lời các câu hỏi về lịch sử ra đời, các dấu mốc sự kiện, di tích, căn cứ, bến bãi gắn với Đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung, "Đoàn tàu không số" nói riêng; lịch sử, truyền thống, chiến công và các sự kiện chính trị quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam; kiến thức về biển, đảo nước ta... Đáng chú ý, thời gian diễn ra các bài trắc nghiệm, nội dung các câu hỏi được ấn định tương ứng với 12 điểm cập bến của "Đoàn tàu không số" năm xưa. Mỗi ngày thi, hai thí sinh có điểm số cao nhất, thời gian trả lời nhanh nhất sẽ giành giải thưởng.

Đồng thời với cuộc thi nêu trên, T.Ư Đoàn còn phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông về truyền thống, lịch sử vẻ vang của các lực lượng đã góp phần làm nên những chiến công tại Đường Hồ Chí Minh trên biển cũng như Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam; ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Sản phẩm tham gia thi có thể là infographic, video clip, motion graphic... không giới hạn độ dài, dung lượng thể hiện. Sau khi trải qua vòng bình chọn công khai, các sản phẩm sẽ tiếp tục được ban giám khảo cuộc thi chấm điểm để tìm ra chủ nhân của hàng loạt giải thưởng có giá trị.

Nhằm tăng cường sức lan tỏa của các cuộc thi, từ nay đến hết tháng 10, tại 12 tỉnh, thành phố có căn cứ, bến bãi gắn liền với Đường Hồ Chí Minh trên biển và các "Đoàn tàu không số" huyền thoại, T.Ư Đoàn sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động tri ân, an sinh xã hội, thăm hỏi, trao quà tặng gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ các "Đoàn tàu không số". Trong tháng 10/2021, các cơ sở Đoàn trên cả nước sẽ đồng loạt tổ chức đợt sinh hoạt chính trị "60 năm - Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển" bằng các hình thức tọa đàm, diễn đàn phù hợp với điều kiện dịch bệnh ở từng địa phương. Với cách làm này, chuỗi hoạt động Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ trở thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi trong tuổi trẻ Việt Nam, cơ hội cho thế hệ trẻ tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì đất nước, hòa mình vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, trau dồi kiến thức, hun đúc bầu nhiệt huyết về vấn đề chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, khơi gợi lòng yêu nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.