Tham dự hội thảo có đại biểu đến từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, Bộ Y tế, Hiệp Hội sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc.
Trưởng phòng pháp chế hội nhập Cục quản lý dược (Bộ Y tế) Ông Chu Đăng Trung cho biết, tuy chỉ là sửa đổi, bổ sung nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 đã có những thay đổi rất lớn từ hình thức đến nội dung.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2016 thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong giai đoạn Covid-19; đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược (đây là khâu mang tính đột phá so với Luật Dược 2016); đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp; đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023.
Trưởng phòng Pháp chế hội nhập Cục quản lý dược (Bộ Y tế) Ông Chu Đăng Trung chia sẻ về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược năm 2016 |
Hiện nay Việt Nam chưa có quy định về mua bán thuốc online. Việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược. Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định.
Các địa biểu tham gia hội thảo chia sẻ, lĩnh vực dược phẩm đã có rất nhiều hoạt động chuyển đổi số, thực sự có tác động làm chuyển dịch ngành dược phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, dược phẩm là ngành nghề kinh doanh đặc thù, nhất là trong khâu phân phối vẫn bị đánh giá còn khá nhiều vướng mắc. Trong khi đó, một số nội dung của Luật Dược năm 2016 không còn phù hợp với yêu cầu quản lý từ giai đoạn sản xuất, kinh doanh cho đến việc cung ứng thuốc đến tay người tiêu dùng.
Tại Việt Nam tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc phải kê đơn, thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang rất cao. Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam Nguyễn Hữu Trọng chỉ ra ba bất cập lớn nếu tiếp tục kê đơn thuốc giấy. Thứ nhất, đơn thuốc giấy không xác minh được tính chính xác của đơn, đơn có thật hay không, người kê đơn hay cơ sở xuất đơn có đủ thẩm quyền hay không.
Thứ hai, đơn thuốc giấy cũng không thể xác nhận được cập nhật trạng thái đơn (đã bán/mua thuốc toàn phần hay một phần), dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn.
Thứ ba, đơn thuốc giấy sẽ không quản lý được thời hạn đơn, thực tế nhiều người dân vẫn mua thuốc theo đơn được kê từ vài năm trước.
Quang cảnh hội thảo |
Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn mang đến các giải pháp, gợi mở các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, vận dụng chuyển đổi số thúc đẩy ngành dược trong nước phát triển bền vững. Các đề xuất tại hội thảo hướng đến góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát việc cung ứng dược phẩm, tháo gỡ các rào cản không cần thiết mang đến lợi ích thiết thực nhất cho người bệnh tiếp cận thuốc một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện.