Thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội

Màn diễu hành của 9.000 người gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ, lực lượng vũ trang và người dân trong Ngày hội văn hóa vì hòa bình vừa giúp người dân ôn lại những giai đoạn lịch sử hào hùng, vừa giới thiệu về sự phong phú của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người. Tự hào, xúc động, thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội, mỗi người đều cảm thấy mình có thêm phần trách nhiệm trong dựng xây Thủ đô ngày một giàu đẹp.
Thực cảnh tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình.
Thực cảnh tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình.

Từ sáng sớm 6/10, không gian hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô đã tấp nập, không chỉ bởi hàng nghìn người tham gia diễu hành đã có mặt để sắp xếp đội hình, mà hàng nghìn người dân cũng có mặt từ sớm để chờ đón ngày hội. Bà Dương Ngọc Diệp (phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Từ hôm các nghệ nhân, nghệ sĩ tập luyện trong tiếng nhạc hùng tráng, tôi đã rất háo hức được chứng kiến buổi lễ chính thức này”.

Toàn bộ các tuyến đường vòng quanh hồ Hoàn Kiếm dài 1,7 km trở thành một sân khấu ngoài trời khổng lồ, một Hà Nội thu nhỏ của những năm tháng xưa cũ hiện lên, với những cửa ô Cầu Giấy, Ðông Mác… Không gian chính của lễ đài là tuyến đường Ðinh Tiên Hoàng có những mô hình tái hiện những di sản đặc sắc nhất của Thủ đô, đó là Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, chợ Ðồng Xuân, những nếp nhà rêu phong…

Dưới ánh nắng thu dịu nhẹ, Ngày hội văn hóa vì hòa bình bắt đầu bằng màn diễn đại thực cảnh Ký ức Hà Nội. Các nghệ sĩ tái hiện sinh động câu chuyện huyền sử về Vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm cho tới một Hà Nội năng động trong thời hiện đại. Ðược chờ đón nhất trong Ngày hội văn hóa vì hòa bình là chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành. Mọi người đều xúc động khi chứng kiến màn thực cảnh tái hiện lịch sử Ngày về chiến thắng.

Trong không khí trang trọng ấy, tất cả đại biểu, người dân cùng hát vang bài Quốc ca trong lễ chào cờ trước mô hình Cột cờ Hà Nội được dựng lên, tạo nên một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng. Sau lễ chào cờ, màn diễu hành bắt đầu với việc tái hiện đoàn quân chiến thắng tiến qua lễ đài. Trên chiếc xe ô-tô mui trần, hình ảnh bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội vẫy tay chào người dân Thủ đô trong ngày 10/10/1954 được tái hiện, theo sau là lớp lớp đoàn quân “đem vinh quang sức dân tộc trở về”. Ðó là khoảnh khắc lắng đọng trong mỗi người khi nghĩ về con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Thủ đô.

Phần biểu diễn, diễu hành có tên Dòng chảy di sản chính là màn thể hiện sự giàu có của văn hóa Thăng Long - Hà Nội với hàng loạt di sản văn hóa đặc sắc. Ðó là màn múa rồng sôi động của các nghệ nhân đến từ huyện Thanh Oai, màn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam...

Còn với tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, công chúng được hòa vào không khí lễ hội khi đội quân phù giá diễu hành qua lễ đài, ở khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, ông Hiệu múa cờ tạo nên những hình ảnh hùng tráng và đẹp mắt. Những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất của Thủ đô tiếp tục được giới thiệu đến công chúng như: Truyền thống thờ phụng Thăng Long tứ trấn, tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng, nghệ thuật ca trù, các điệu múa rối nước, rối cạn, múa Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối…

Sau phần diễu hành và trình diễn diễn xướng dân gian, các đại biểu, người dân và du khách được xem phần trình diễn của các làng nghề: Tranh dân gian Kim Hoàng, làng thêu Quất Ðộng, làng thêu Ðông Cứu, làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái, nghề tò he Xuân La, làng nghề quạt Chàng Sơn, làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Ðồng, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền... Phần cuối của chương trình diễu hành, trình diễn là phần diễu hành của các đoàn thể nhân dân và khách quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm ngày Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng kế hoạch, xây dựng kịch bản và phối hợp các địa phương, đơn vị triển khai; các nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân đã phải tập luyện hằng tháng trời ở các địa phương. Sau khi tập luyện nhuần nhuyễn, ban tổ chức mới ghép các đội hình, duyệt chương trình.

Huyện Thanh Trì có vinh dự là một trong những đơn vị mở đầu các hoạt động của ngày hội, với màn trống hội Thăng Long. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Nhung xúc động bày tỏ: “Ðội trống chúng tôi có 120 người, đã luyện tập hơn một tháng để chuẩn bị cho màn trình diễn trống hội trong Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Khi nhịp trống vang lên, chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào, thêm yêu Hà Nội, đất nước và tự hào về di sản văn hóa Thủ đô”.