Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 phút sáng 12/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 269.982.622 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.317.616 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị
khỏi là 242.718.161 người, trong khi vẫn còn 21.946.845 bệnh nhân đang phải điều trị, trong đó gồm 88.823 ca bệnh nặng.Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch vẫn là Mỹ, với hơn 817 nghìn ca tử vong trong tổng số 50,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đó đến Ấn Độ với 475.128 ca tử vong trong 34.684.396 ca mắc, và Brazil với 616.859 ca tử vong trong số 22.188.719 ca mắc.
Tính theo khu vực, châu Á hiện có nhiều ca nhiễm nhất với hơn 83 triệu ca và 1,2 triệu người không qua khỏi, trong khi “tâm dịch” châu Âu dẫn đầu thế giới về số ca tử vong, với 1,4 triệu ca trên tổng số 77,8 triệu ca mắc.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp trong bối cảnh sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đượ c cho là có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó.
Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 324.322 ca mắc mới, chiếm tới 64,9% tổng số ca mắc mới toàn cầu, trong khi cũng có thêm 3.364 ca tử vong mới, chiếm 62% tổng số người không qua khỏi ghi nhận trên toàn thế giới trong ngày.
Trong nhóm 5 nước ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất thế giới 24 giờ qua, châu Âu cũng chiếm đa số, với lần lượt Anh ghi nhận hơn 54 nghìn ca bệnh mới, xếp thứ hai thế giới (sau Mỹ với 57 nghìn ca), Pháp đứng thứ ba với hơn 53 nghìn ca, tiếp đó là Đức với 37 nghìn ca, và Nga 30 nghìn ca.
Đáng chú ý, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh thông tin, nước này ngày hôm qua ghi nhận thêm 633 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca mắc biến thể mới này tại Anh lên 1.898 người.
Trong khi đó, ở Italia, Bộ Y tế nước này cho biết, số ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua tiếp tục đà tăng so với 1 ngày trước đó, lên 21.042 trường hợp. Trước đó, các ca mắc mới đã tăng gần 2/3 vào thứ sáu, lên 20.497 ca.
Tính đến nay, Italia đã ghi nhận 134.765 ca tử vong liên quan Covid-19 trên tổng số 5,2 triệu ca mắc kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 2 năm ngoái.
Ở Ukraine, Ngân hàng Thế giới vừa phê duyệt khoản vay bổ sung 150 triệu USD để giúp nước này đẩy nhanh tốc độ tiêm ngừa Covid-19. Trong đó, 120 triệu USD sẽ được dùng để mua 16,5 triệu liều vaccine, trong khi phần còn lại sẽ dành cho các công tác truyền thông và tiếp cận vaccine trong cộng đồng, tăng cường năng lực, công nghệ thông tin, thiết bị bảo quản lạnh và quản lý chất thải.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ukraine, khoảng 12,4 triệu người dân nước này đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Đất nước 41 triệu dân này đã ghi nhận 3,6 triệu ca nhiễm và khoảng 9 nghìn ca tử vong liên quan.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/12 đã ghi nhận 6 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Theo Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca, 5 trong số các trường hợp trên được phát hiện ở thành phố Izmir và 1 ca ở thành phố lớn nhất nước, thủ đô Istanbul. Tuy nhiên, cả 6 trường hợp này đều không phải nhập viện, với các triệu chứng mắc Covid-19 rất nhẹ.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 24 giờ qua được ghi nhận là 19.255 ca, giảm mạnh so với mức 30 nghìn ca hồi tháng 10.
Sáng 12/12, giới chức y tế Australia cho biết, sẽ rút ngắn thời gian chờ để tiêm liều vaccine tăng cường phòng Covid-19, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng.
Trước đó, Australia đã lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường, sử dụng cả 2 loại vaccine của Pfizer và Moderna cho tất cả người dân trên 18 tuổi và những người đã tiêm liều vaccine thứ hai cách 6 tháng trước đó. Nhưng trước sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết, khoảng thời gian trên sẽ được rút ngắn xuống còn 5 tháng sau liều thứ hai.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Israel hôm thứ bảy cho biết, mũi tiêm thứ ba sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech giúp tăng khả năng miễn dịch đáng kể trước biến thể mới Omicron.
Các phát hiện tương tự như trong báo cáo được hãng BioNTech và Pfizer công bố hồi đầu tuần cho thấy, tiêm nhắc lại có thể là chìa khóa ngăn chặn sự lây nhiễm từ biến thể mới.
Nghiên cứu do Trung tâm Y tế Sheba và Phòng thí nghiệm virus học Trung ương của Bộ Y tế Israel thực hiện, so sánh mẫu máu của 20 người đã tiêm 2 liều vaccine trước đó 5-6 tháng với cùng một số người đã được tiêm nhắc lại 1 tháng trước đó.
Kết quả cho thấy, những người được tiêm liều thứ hai cách đây 5-6 tháng vẫn có khả năng chống lại chủng Delta, song hiệu quả bảo vệ trước Omicron không đáng kể. Trong khi với liều tăng cường, khả năng miễn dịch trước biến thể mới tăng khoảng 100 lần, dù tỷ lệ này thấp hơn khoảng bốn lần so với chủng Delta.