Vẫn ẩn chứa nhiều bí mật
Khu vực khai quật khảo cổ năm 2017 nằm bên tay trái nền điện Kính Thiên (thời Lê), hơi chếch về phía sau. Đây là lần đầu các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành khai quật tại khu vực này. Những phát hiện khảo cổ lần này tiếp tục gây nhiều bất ngờ cho giới nghiên cứu khảo cổ với các dấu tích kiến trúc, hiện vật khảo cổ tiếp tục trải dài từ thời Thăng Long còn là thành Đại La (thế kỷ 7 đến 8), cho đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Đáng chú ý là dấu tích kiến trúc móng cột của thời Lý, Trần tại đây đều rất lớn. Móng cột thời Lý có kích thước lên tới 2,1 m x 1,5 m; khoảng cách giữa hai cột cái (khoảng cách một gian nhà) lên đến 5,4 m. Thời Trần, kích thước móng cột trung bình cũng lên đến 1,6 m x 1,6 m; bước gian là 5,1 m. Tại đây, cũng xuất hiện những con đường (hoặc hàng hiên) được xếp hình hoa chanh từ gạch, ngói theo đặc trưng kiến trúc thời Trần. Kích thước một "bông" hoa chanh lên tới 1,1 x 1,1 m. Đây là những hoa chanh lớn nhất tại Việt Nam được tìm thấy cho đến nay. Các dấu tích này cho thấy, thời Lý, Trần tại đây đều tồn tại hệ thống cung điện cực lớn. Tuy nhiên, do diện tích khai quật hẹp cho nên chưa thể xác minh được quy mô chính xác, càng chưa thể xác định được công năng, tên gọi của những dấu tích kiến trúc của những công trình này.
Tại đây cũng tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc, hiện vật thời Lê sơ, gồm các hàng gạch, cống nước... Điều đặc biệt là khu vực này từng có một hồ nước, được kè cẩn thận vào thời Lê Trung hưng. Đây được dự đoán là một hồ nước để tạo cảnh quan. Các dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng còn có móng cột, móng tường, giếng nước bằng đá... Hồ nước này được đào khoảng thế kỷ 17 đến 18 và lấp vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.
Đánh giá về các dấu tích kiến trúc được phát hiện, nhất là dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần, các nhà khoa học như: PGS Tống Trung Tín, GS Nguyễn Quang Ngọc, TS Nguyễn Văn Sơn... đều có chung nhận định: Các dấu tích kiến trúc này cần đặt trong tổng thể những phát hiện về dấu tích kiến trúc tại khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu và những đợt khai quật tại khu vực chung quanh điện Kính Thiên. Song, cần được tiếp tục khai quật nghiên cứu mở rộng, để làm rõ hơn vai trò, chức năng của những kiến trúc này.
Về hiện vật, đợt khảo cổ này tìm thấy số lượng lớn nhất từ trước đến nay liên quan mái cung điện thời Lê. Các hiện vật tìm được cho thấy, mái cung điện thời Lê sử dụng gốm tráng men xanh (thanh lưu ly) hoặc men vàng (hoàng lưu ly), nhiều viên ngói có hình rồng năm móng.
Cơ sở quan trọng để phục dựng điện Kính Thiên
Đánh giá về kết quả khảo cổ năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thỏa thuận với UBND thành phố Hà Nội về việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu cho việc phục dựng điện Kính Thiên thời Lê. Cuộc khai quật này đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho việc phục dựng điện Kính Thiên".
Dù có giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ... được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, song Hoàng thành Thăng Long hiện tại chủ yếu là phế tích, dấu tích kiến trúc mà chỉ giới khoa học mới có thể hiểu được. Bởi vậy, phục dựng điện Kính Thiên là điều dư luận quan tâm từ lâu. Giới khoa học cũng rất trông chờ, thông qua tái hiện một kiến trúc cụ thể, công chúng có thể tiếp cận về giá trị Hoàng thành Thăng Long một cách dễ dàng. Nhưng, phục dựng như thế nào là một câu hỏi khó. Những hiện vật liên quan mái cung điện thời Lê đã giúp giới khoa học có những bước tiến quan trọng trong sưu tầm tư liệu cho việc phục dựng. PGS Tống Trung Tín, người phụ trách công trường khảo cổ Hoàng thành Thăng Long cho biết: "Đây là lần đầu chúng ta tìm được số lượng lớn hiện vật liên quan mái cung điện, qua đó, ta có thể hình dung một cách rõ ràng về mái cung điện thời kỳ này. Mái ngói cung điện thời Lê được dùng kiểu ngói âm - dương (hàng ngói ngửa - hàng ngói úp). Trong đó, toàn bộ các hàng ngói dương được trang trí thành một con rồng dạng tượng tròn hết sức cầu kỳ. Viên ngói lợp đầu tiên ở diềm mái được trang trí bằng một đầu rồng, các viên ngói tiếp theo tạo thành thân rồng, có vảy, vây lưng thuôn nhọn. Viên ngói cuối cùng ở áp mái chính là đuôi rồng. Như vậy, toàn bộ mái cung điện sẽ là một đàn rồng đông đúc, vận động theo hướng từ trên mái xuống sân điện cả bốn phía. Nóc mái cũng trang trí rồng lớn hơn. Đây là kiến trúc mái độc nhất vô nhị không thấy ở Đông Á. Hệ mái đặc biệt này cho thấy, sau thời kỳ thuộc Minh, nhà Lê đã có ý thức bứt phá khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Minh".
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long khẳng định: "Việc khai quật khảo cổ là để phục vụ công tác nghiên cứu, nhưng đồng thời cũng để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long của nhân dân. Bởi vậy, TP Hà Nội cũng như các nhà khoa học cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, công bố kết quả, sớm đưa ra phương án phục dựng điện Kính Thiên để đáp ứng mong mỏi của nhân dân".