Diễn ra vào đêm áp chót, vở múa "Kiều" một lần nữa đã chiếm trọn tình cảm của khán giả có mặt tại Nhà hát thành phố. Đây là tác phẩm được Nhà hát Giao hưởng, Nhạc-Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng và biểu diễn tại thành phố vào năm 2020, sau đó biểu diễn lại ở Hà Nội và đã trở thành một trong ba tác phẩm đoạt giải cao nhất, Giải xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2022 vừa qua.
Vở múa dựa trên nội dung tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra 20 thứ tiếng. Dự án lớn này đã được đặc biệt ủy nhiệm bởi Hiệp hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhằm mục đích kết hợp tinh thần văn hóa Việt Nam với kỹ thuật múa châu Âu. Tác phẩm được biên đạo bởi thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh và biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng; âm nhạc của Vũ Việt Anh và Chinh Ba. Vở múa "Kiều" có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ múa xuất sắc: NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Hồ Phi Điệp và NSƯT Đàm Đức Nhuận cùng các nghệ sĩ Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Đặng Minh Hiền...
Không chỉ có vở vũ kịch với ballet Kiều, Liên hoan "Giai điệu mùa thu" lần thứ 13 diễn ra với chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ về phong cách trong lĩnh vực âm nhạc như: Hòa nhạc giao hưởng, Thanh xướng kịch… Ngay trong đêm khai mạc, khán giả đã được thưởng thức bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc với những phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới. Song hành cùng những thành tựu của âm nhạc thế giới là những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ công chúng Việt Nam, như: "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người; Khát vọng; Thành phố tôi yêu; Giai điệu Tổ quốc; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; Tổ quốc gọi tên mình"…
Ông Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc-Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp nhưng ban tổ chức vẫn cố gắng mời hai nghệ sĩ opera người Nga nổi tiếng tham gia liên hoan lần này. Điều này cho thấy sự nỗ lực của ban tổ chức nhằm giữ được chất lượng của một chương trình nhạc cổ điển đã trở thành "thương hiệu" của thành phố trong nhiều năm nay.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Minh Tâm chia sẻ, hiếm có chương trình nghệ thuật hàn lâm nào được đông đảo công chúng đón nhận như "Giai điệu mùa thu" và mỗi lần tham gia biểu diễn đều mang đến cho ông nhiều cảm xúc.
Điểm đặc biệt trong liên hoan lần này là toàn bộ vé tham dự các chương trình hoàn toàn miễn phí đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chúng thành phố và du khách được tham dự những hoạt động âm nhạc và chương trình biểu diễn đỉnh cao của nghệ thuật hàn lâm. Khán giả Dương Chân ở Quận 1 cho biết: "Đây là lần đầu tôi đến xem chương trình "Giai điệu mùa thu". Không giống suy nghĩ ban đầu là chương trình kén người xem, tôi bất ngờ khi thấy khán giả tham dự các đêm liên hoan đều rất đông".
Liên hoan "Giai điệu mùa thu" được tổ chức hai năm một lần. Liên hoan năm 2022 được tổ chức trên cơ sở kế thừa những thành quả đạt được từ 12 lần tổ chức trước đây do Nhà hát Giao hưởng, Nhạc-Vũ kịch chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố. Đây là lần thứ 13 liên hoan được tổ chức với các chương trình đặc sắc theo định hướng là một trong các sự kiện nghệ thuật tiêu biểu thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Đề án "Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2020-2030" năm 2022.
Điều quan trọng nhất chính là liên hoan được tổ chức với mong muốn tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố, tiếp cận gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Liên hoan còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế, từng bước phát triển loại hình nghệ thuật hàn lâm của thành phố sánh tầm các nước trong khu vực châu Á cũng như các nước trên thế giới. Liên hoan còn góp phần vào việc quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, phát triển du lịch… ■