Bên cạnh mục tiêu hội nhập và đua tranh thành tích đỉnh cao trên đấu trường châu lục, các vận động viên (VĐV) còn hướng tới giành quyền tham dự Paralympic Paris 2024.
ASIAN Para Games 4 dự kiến tổ chức trong năm 2022 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã phải lùi lại sang năm 2023. Đại hội diễn ra từ ngày 22-28/10 tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) với sự tham dự của khoảng 2.000 VĐV đến từ các nước và vùng lãnh thổ châu Á, tranh đua các bộ huy chương ở 22 môn thể thao. Do các VĐV được tập huấn tại nhiều địa điểm trong nước, cho nên các thành viên của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã chia thành hai nhóm xuất phát từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sang Trung Quốc.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự đại hội với 48 VĐV, tranh tài ở 7 môn thể thao: Điền kinh, bơi, cử tạ, cờ vua, bóng bàn, cầu lông và taekwondo.
Mặc dù các VĐV nước ta dự Á vận hội với mục tiêu hội nhập, vượt lên chính mình, song đây vẫn là một kỳ tranh tài đỉnh cao châu lục, cho nên chỉ có các VĐV đủ khả năng tranh chấp huy chương mới có tên trong danh sách đoàn với mục tiêu phấn đấu giành từ 3 đến 4 Huy chương vàng (HCV) và đồng thời cố gắng có nhiều VĐV giành quyền tham dự Paralympic Paris 2024.
Phó Cục trưởng Thể dục-Thể thao Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Asian Para Games 4 cho biết: “Ngay sau khi kết thúc ASEAN Para Games 12 tổ chức tại Campuchia, ngành thể dục thể thao đã rà soát, đánh giá, bổ sung lực lượng VĐV, huấn luyện viên tập huấn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; đồng thời tuyển chọn, phân chia nhóm môn để tập trung đầu tư, cử các VĐV xuất sắc đi thi đấu nước ngoài.
Ngoài công tác chuẩn bị về chuyên môn, công tác chăm sóc, phục hồi, điều trị chấn thương, dinh dưỡng và nhiều hoạt động hỗ trợ khác đã tạo không khí phấn khởi trong tập luyện và thi đấu, giảm áp lực thành tích cho các vận động viên, các đội tuyển thể thao người khuyết tật quốc gia”.
Ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định: “Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xin nhận nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ cố gắng, nỗ lực thi đấu hết mình, bình tĩnh, tự tin, mưu trí, sáng tạo, thi đấu ngoan cường. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xin hứa sẽ quyết tâm, đoàn kết một lòng, phấn đấu hết sức mình để đạt thành tích cao nhất tại Asian Para Games 4. Đồng thời, mỗi thành viên đoàn là đại sứ văn hóa hòa bình, góp phần giữ vững, tăng cường tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các quốc gia trong châu lục”.
Nổi bật trong số các VĐV Việt Nam tham dự Asian Para Games 4 là nhà đương kim vô địch cử tạ thế giới Lê Văn Công. Ở kỳ đại hội thể thao người khuyết tật châu Á cách đây 5 năm, Công không thể góp mặt vì chấn thương. Tuy nhiên, sau khi đoạt chiếc HCV hạng 49 kg của nam tại giải vô địch thế giới ở Saudi Arabia vào tháng 8 vừa qua với thành tích 176 kg, Lê Văn Công rất tự tin bước vào Asian Para Games 4.
Đối thủ lớn nhất của anh là lực sĩ người Jordan Omar Qarada, vô địch thế giới năm 2022 và Paralympic 2020, người vừa đạt thành tích 175 kg cũng tại giải vô địch thế giới 2023. Trước đó, Lê Văn Công từng đoạt HCV Paralympic Rio năm 2016 tại Brazil và cũng là người đang giữ kỷ lục thế giới hạng 49 kg với thành tích 183,5 kg. Bên cạnh mục tiêu giành huy chương, Lê Văn Công cũng hướng tới cơ hội tham dự và giành HCV Paralympic Paris 2024 tại Pháp.
Ngoài ra, cử tạ còn những niềm hy vọng khác là hai nhà đương kim vô địch Á vận hội: Nguyễn Bình An (vô địch hai kỳ liên tiếp ở hạng 54 kg của nam) và Đặng Linh Phượng (hạng 50 kg của nữ). Trong khi đó, môn bơi cũng là “mỏ vàng” của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam với nhiều VĐV nổi bật như: Võ Thanh Tùng (1 Huy chương bạc Paralympic 2016, 3 HCV Asian Para Games 3), Nguyễn Thành Trung (1 HCV Asian Para Games 3)...
Theo giới chuyên môn, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Asian Para Games 4 với lực lượng mạnh, có khả năng tranh chấp huy chương ở tất cả các nội dung tham dự và nhiều khả năng sẽ hoàn thành, thậm chí vượt mức chỉ tiêu đề ra.