Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư

NDO -

Ngày 22/6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đã ban hành thể lệ Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, các tác phẩm tham dự Giải cần đáp ứng các nội dung sau: Phổ biến, tuyên truyền kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh, lên án các biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và "lợi ích nhóm", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Phản ánh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cả khu vực ngoài Nhà nước; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; Phản ánh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.

Phát hiện, phản ánh những chủ trương, chính sách và quy định hiện hành còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực….

Thể lệ nêu rõ: Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí, kiều bào ta ở nước ngoài có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên, được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng (từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có thể gửi tác phẩm tham dự Giải. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm, phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Số tác giả tối đa mỗi nhóm không quá 7 người. Thành viên Hội đồng giám khảo và Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải không gửi tác phẩm dự Giải.

Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó, Giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng; giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.

Các tác phẩm dự thi gửi về Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, số 59 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…