Thế giới lập kỷ lục mới, hơn 573 nghìn ca Covid-19 trong ngày qua

NDO -

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 573.616 ca mắc và 7.490 ca tử vong do Covid-19. Đây là số ca mắc mới tính theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, châu Âu có thêm gần 300 nghìn ca và Mỹ có thêm hơn 101 nghìn ca.

Quảng trường lớn Grand Place tại Brussels, Bỉ, vắng vẻ trong mùa dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images)
Quảng trường lớn Grand Place tại Brussels, Bỉ, vắng vẻ trong mùa dịch bệnh. (Ảnh: Getty Images)

Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, với hơn 9,3 triệu ca mắc và 235 nghìn ca tử vong. Chỉ sau hai tuần, số ca bệnh tại Mỹ tăng từ tám lên chín triệu ca. Trong ngày qua, Mỹ là nước có thêm nhiều ca mắc và tử vong nhất trên thế giới, lần lượt là 101.461 và 988.

Kể từ giữa tháng 9, báo cáo thống kê số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã cho thấy số ca bệnh có chiều hướng gia tăng và ngày 29-10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với gần 92 nghìn ca mới. Tình hình đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, nhất là ở những bang đã từng là "tâm dịch" mới cách đây vài tháng.

Theo Wall Street Journal, tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngày 30-10 với chỉ số công nghiệp Dow Jones khi đóng phiên giao dịch đã xuống mức thấp nhất của tuần và cũng là mức thấp nhất của tháng, kể từ tháng 3 tới nay. Điều này cho thấy các nhà đầu tư lo ngại tình hình dịch bệnh có thể dẫn đến lại đóng cửa nền kinh tế và tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế. 

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngày 30-10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã cho phép các du thuyền, tàu du lịch được hoạt động trở lại kể từ ngày 31-10. Chính phủ Mỹ buộc phải để các công ty hoạt động trở lại với một số điều kiện nhất đinh bởi ngành du lịch nói chung và dịch vụ tàu du lịch, du thuyền nói riêng đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bị chấm dứt hoạt động sau khi đại dịch bùng phát từ tháng 3. 

Cũng trong ngày 30-10, hãng dược Regeneron Pharmaceutical cho biết, hãng này buộc phải ngừng thử nghiệm thuốc kháng thể ngừa Covid-19 đối với những ca bệnh nặng nhất đang nằm viện do lo ngại về độ an toàn cho người bệnh và điều này cho thấy thuốc kháng thể không phải là cứu cánh đối với các ca nặng.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Covid-19 là Ấn Độ với hơn 8,1 triệu ca mắc và 121 nghìn ca tử vong. Brazil xếp thứ ba về số ca mắc (5,5 triệu ca) nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong (159.562 ca). Nga tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ tư trên thế giới với xấp xỉ 1,6 triệu ca mắc và gần 28 nghìn ca tử vong. 

Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp tại châu Âu, trong đó Bỉ hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm cao hàng đầu thế giới. Tối 30-10, Bỉ đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng sáu tuần. 

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp được cho là “cơ may cuối cùng” nhằm làm chậm lại đà lây lan của đại dịch tại đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” này.

Trong buổi họp báo sau phiên họp của Ủy ban Thống nhất về Covid-19, các biện pháp phòng dịch sẽ có hiệu lực kể từ ngày 2-11, bao gồm việc đóng cửa các cửa hàng “không thiết yếu” (các cửa hàng không phải là cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc) và quy định làm việc từ xa là yêu cầu bắt buộc đối với toàn bộ các cơ quan và doanh nghiệp. Thủ tướng Alexander De Croo cũng đã thông báo việc hạn chế tiếp khách đối với mỗi gia đình vào mỗi tuần chỉ là một người và kéo dài thời gian nghỉ lễ của học sinh tới ngày 15-11. 

Bộ trưởng Y tế Bỉ, ông Frank Vandenbroucke, giải thích: “Đây là các biện pháp phong tỏa phòng dịch… Tuy nhiên, nó vẫn cho phép các nhà máy vận hành, trường học vẫn được mở cửa sau ngày 15-11 và không để người dân bị rơi vào tình trạng bị cô lập”. Việc tăng cường các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của chính phủ Bỉ cũng không bao gồm việc hạn chế đi lại của người dân.

Đề cập về mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại Bỉ, Thủ tướng nước này cho biết: “Nước Bỉ đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Sức ép tại các bệnh viện hiện rất lớn và các y, bác sĩ hàng ngày đang phải dốc hết sức để cứu sống người bệnh”. Dự kiến, từ nay tới giữa tháng 11, sẽ có tới 2.800 người bệnh nguy kịch phải điều trị tích cực, trong khi ở Bỉ chỉ có tối đa 2.000 giường hồi sức cấp cứu.

Ở Bỉ, số người bệnh Covid-19 phải nhập viện hiện cao hơn so với thời điểm đỉnh dịch của đợt dịch lần một vào đầu mùa xuân năm nay. Đất nước với 11,6 triệu dân, ngày 30-10 đã ghi nhận tổng cộng 6.187 người bệnh Covid-19 phải nhập viện, trong đó có 1.057 người bệnh nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Tuần trước, Bỉ đã ghi nhận mức lây nhiễm kỷ lục với hơn 100 nghìn ca nhiễm mới (tương đương hơn 15 nghìn ca mới mỗi ngày).
 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 31-10 (giờ Việt Nam):

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 9.316.297 ca mắc, 235.159 ca tử vong
2. Ấn Độ: 8.136.166 ca mắc, 121.681 ca tử vong
3. Brazil: 5.519.528 ca mắc, 159.562 ca tử vong
4. Nga: 1.599.976 ca mắc, 27.656 ca tử vong
5. Pháp: 1.331.984 ca mắc, 36.565 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 406.945 ca mắc, 13.782 ca tử vong 
2. Philippines: 378.933 ca mắc, 7.185 ca tử vong
3. Singapore: 58.003 ca mắc, 28 ca tử vong
4. Myanmar: 51.496 ca mắc, 1.219 ca tử vong 
5. Malaysia: 30.889 ca mắc, 249 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.775 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.177 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 280 ca mắc
9. Brunei: 148 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 24 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 13.591.257 ca mắc, 241.541 ca tử vong 
2. Bắc Mỹ: 11.132.276 ca mắc, 350.965 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 9.634.381 ca mắc, 293.938 ca tử vong
4. Châu Âu: 9.711.748 ca mắc, 263.090 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.784.435 ca mắc, 42.698 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 37.456 ca mắc, 970 ca tử vong

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường