Thế giới đối mặt làn sóng khủng hoảng nợ thứ 5

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Malpass vừa đưa ra cảnh báo rằng, thế giới đang đối mặt với “làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ”. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến gần.
0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đang góp phần đẩy thế giới vào làn sóng mới của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. (Ảnh minh họa: Reuters)
Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đang góp phần đẩy thế giới vào làn sóng mới của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo Chủ tịch WB, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay tài chính nhiều hơn và WB cũng như IMF đã cảnh báo nhiều nước đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.

Phát biểu với báo giới, ông Malpass cho biết riêng trong năm nay, khoảng 44 tỷ USD tiền nợ ở một số nước nghèo nhất đến hạn phải thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước có thể hy vọng nhận được.

Ông khẳng định: “Ngay bây giờ, chúng ta đang ở giữa những gì tôi nghĩ là làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ”.

Những bình luận của ông Malpass được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, khi phải vật lộn với lạm phát gia tăng và lãi suất cao, có nguy cơ gây bất ổn và làm chệch hướng các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng, việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình đang phải gánh chịu sự mất giá của đồng tiền và chi phí đi vay tăng cao do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.

Theo Tờ Financial Times, trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, đánh dấu chuỗi thoái vốn dài nhất được ghi nhận.

Dữ liệu tạm thời do Viện Tài chính quốc tế tổng hợp cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư quốc tế chảy ra khỏi cổ phiếu và trái phiếu trong nước của các thị trường mới nổi trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay lên tới hơn 38 tỷ USD.

Xu hướng thoái vốn này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính đang gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển. Theo đó, Sri Lanka đã vỡ nợ chính phủ, trong khi Bangladesh và Pakistan đều đã liên hệ với IMF đề nghị được giúp đỡ.

Tháng 7 năm nay, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%.

Những bất ổn nêu trên đang khiến kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng và đối mặt nguy cơ 1 cuộc khủng hoảng mới trên diện rộng. Trước hội nghị hằng năm của IMF và WB dự kiến diễn ra vào tuần tới, tại Washington (Mỹ), bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF cho biết, định chế tài chính này có kế hoạch tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 trong tuần tới.

Trước đó, tháng 7 năm nay, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%.

Người đứng đầu IMF cũng cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần hành động phối hợp nhằm ngăn chặn “điều bình thường mới nguy hiểm” trong bối cảnh các nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một tăng.

Trước thực trạng nêu trên, các nhà lãnh đạo WB và IMF đã kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn “làn sóng thứ 5 của khủng hoảng nợ” và nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới.

Chủ tịch WB hôm 7/10 đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia đang gặp khó khăn, cũng như minh bạch hơn về các khoản nợ. Ông Malpass nhấn mạnh, các nước đang phát triển cần nhiều dòng vốn hơn và mặc dù WB đang mở rộng sự trợ giúp cho họ, nhưng điều đó là chưa đủ.

Trước đó, bà Georgieva khi phát biểu tại Đại học Georgetown (Mỹ), đã khẳng định rằng, điều quan trọng hiện nay là phải ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất, trong đó có tình trạng lạm phát.

Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến cáo nêu trên là không đơn giản và khó khả thi trong bối cảnh chỉ trong chưa đầy 3 năm, thế giới đã liên tiếp chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác.

Dư địa để chính phủ các nước triển khai chính sách ổn định tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế không còn nhiều; chống lạm phát thành “bài toán nan giải” hơn khi nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn và nhu cầu tăng cao sau những tác động của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang đang “thêm dầu vào lửa” khiến giá lương thực gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy... Do vậy, đối phó khủng hoảng nợ và nguy cơ suy thoái kinh tế chỉ bằng các biện pháp kinh tế như WB và IMF khuyến cáo như trên có thể vẫn là chưa đủ.