Bạo lực đang leo thang đáng lo ngại tại Sri Lanka với những đám đông công khai tiến hành cướp bóc hoặc phá hoại tài sản giữa “thanh thiên bạch nhật”, nhất là nhằm vào nhà cửa của các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền Nhân dân Sri Lanka (SLPP).
Tình trạng bạo lực hiện nay tại Sri Lanka bùng phát mạnh từ đầu tháng 4 vừa qua khi liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ bên ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Thống kê cho thấy, ít nhất năm người đã thiệt mạng và gần 200 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng bảo đảm an ninh trật tự với những người biểu tình bạo lực.
Đỉnh điểm của tình trạng bạo lực tại Sri Lanka là việc hàng nghìn người biểu tình phá cổng xông vào tư dinh của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa tại Thủ đô Colombo ngày 10/5, khiến quân đội phải khẩn cấp sơ tán ông và gia đình tới nơi an toàn. Điều đáng nói, ông Mahinda Rajapaksa chỉ mới vừa từ chức người đứng đầu Chính phủ trước đó có một ngày.
Ông Mahinda Rajapaksa đã phải ra đi sau khi không thể giải quyết được khủng hoảng kinh tế được xem là tồi tệ nhất tại quốc gia Nam Á này kể từ khi giành được độc lập năm 1948. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn tới những nguồn thu ngoại tệ của Sri Lanka là du lịch và kiều hối.
Trong khi đó, Sri Lanka phải nhập nhiều loại hàng hóa, vật tư thiết yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Không có ngoại tệ nhập khẩu với dự trữ ngoại tệ hồi tháng 1 năm nay chưa đủ cho một tháng nhập khẩu, nên Chính phủ Sri Lanka buộc phải cắt giảm nhập khẩu nhiều hàng hóa thiết yếu. Hậu quả là 22 triệu người dân đất nước này thường xuyên sống trong cảnh mất điện, thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men… suốt nhiều tháng.
Người dân cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa sai lầm trong quản lý kinh tế dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Những người biểu tình phản đối chính phủ ngày càng đông và quá khích dẫn tới tình trạng bạo lực, khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - em trai của Thủ tướng Mahinda Rajapaksa - phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka lan rộng từ kinh tế sang xã hội và chính trị.
Căn nguyên của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka không chỉ do tác động bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh chỉ là “giọt nước tràn ly”, khi mà đảo quốc này phải gánh “núi” nợ nước ngoài ngày càng lớn. Nợ nước ngoài của Sri Lanka nhiều tới mức khoảng hai phần ba thu ngân sách được dùng để thanh toán lãi suất các khoản vay.
Trong bối cảnh đó, dòng ngoại tệ bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch đã khiến Sri Lanka ngày càng đuối sức, hụt hơi trong việc trả nợ nước ngoài. Cuối cùng, điều gì đến cũng đã đến khi Sri Lanka ngày 12/4/2022 đã tuyên bố vỡ nợ và không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD (GDP của Sri Lanka năm 2021 vào khoảng 81 tỷ USD).
Nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” trong việc vay nợ nước ngoài thật ra đã được đặt ra với Sri Lanka từ khá lâu. Nhiều nhiệm kỳ Chính phủ Sri Lanka đã ký không ít thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, nhà máy điện than… lớn với vốn vay hàng tỷ USD được triển khai, nhưng lợi nhuận thấp đã đặt ra hoài nghi về việc hoàn vốn và trả nợ. Trong khi đó, là quốc gia sản xuất nông nghiệp nhưng đầu tư cho lĩnh vực nuôi sống và bảo đảm công ăn việc làm cho đa số người dân Sri Lanka lại không tương xứng.
Sri Lanka đang đàm phán với các quốc gia, định chế tài chính quốc tế cho vay như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… nhằm giải quyết gốc rễ cuộc khủng hoảng hiện nay là vấn đề nợ nước ngoài cũng như hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi đáp ứng điều kiện bên này lại “vướng”, “vênh” với bên khác.
Cách thức giải quyết, lối thoát ra sao cho căn nguyên cuộc khủng hoảng hiện nay tại Sri Lanka không chỉ là mối quan tâm của đảo quốc này với các bên liên quan, mà cả những quốc gia có thể rơi vào “bẫy nợ” nếu không muốn khủng hoảng nợ biến tướng khôn lường.