Thế giới có hơn 956 nghìn người tử vong do Covid-19

NDO -

Theo số liệu trang Worldometers, tính đến 12 giờ ngày 19-9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận gần 30,7 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có hơn 956.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận gần 93.000 ca bệnh mới và số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục với 1.221 ca.

Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Cụ thể, tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận 30.697.825 ca bệnh Covid-19, trong đó có 956.446 ca tử vong; số bệnh nhân đã hồi phục là gần 22,34 triệu người. Hiện vẫn còn khoảng 1% số ca bệnh Covid-19 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 với hơn 6,9 triệu ca bệnh và hơn 203.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 5,3 triệu ca bệnh và 85.625 ca tử vong.

Đáng chú ý, tuy chỉ đứng thứ 2 trên thế giới về số ca bệnh, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ vẫn diễn biến phức tạp khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục. Trong 24 giờ qua, tại quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới tiếp tục ghi nhận thêm 92.789 ca mắc mới và 1.221 ca tử vong. Trong hai tuần liên tiếp gần đây, quốc gia này đều ghi nhận số ca tử vong trong ngày ở mức trên 1.000 ca/ngày.

Đứng thứ 2 trên thế giới về số ca tử vong trong ngày là Mỹ với 958 ca ghi nhận trong 24 giờ qua. Quốc gia này cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày có dấu hiệu tăng cao trở lại trong 24 giờ qua, ở mức hơn 50.000 ca/ngày so với vài ngày trước đó chỉ ở mức hơn 30.000 ca/ngày.

Xếp thứ 3 trên thế giới về tổng số ca bệnh là Brazil với gần 4,5 triệu ca, đồng thời quốc gia này cũng ghi nhận tổng số 135.857 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Brazil cũng ghi nhận số ca tử vong cao thứ 3 trên thế giới với 826 ca.

Tại Italy, báo cáo theo dõi hằng tuần của Viện Y tế cao cấp Italy công bố ngày 18-9 cho thấy, tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang dần trở nên xấu hơn so với khoảng thời gian được kiểm soát khá tốt trước đó. Tuy nhiên, chiều hướng xấu này ở Italy vẫn được kiềm chế tốt hơn so với các nước châu Âu khác.

Theo Viện Y tế cao cấp Italy, nguyên nhân dịch Covid-19 lây lan trở lại là do xuất hiện các ổ dịch lớn vốn chủ yếu có liên quan đến các sự kiện giải trí tụ tập đông người và không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Các số liệu cho thấy trong ngày 18-9, Italy đã ghi nhận 1.907 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có 10 ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở Italy là 294.932 ca với 35.668 trường hợp tử vong.

Tại Séc, trước tình hình số lượng ca mắc Covid-19 mới gia tăng nhanh kỷ lục trong hai tuần gần đây, Chính phủ Séc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš tuyên bố sẽ tái lập Ban chỉ đạo trung ương để ứng phó với dịch Covid-19, đồng thời cho biết không loại trừ khả năng Chính phủ Séc sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó với dịch Covid-19 như đã từng áp dụng trong tháng 3-2020.

Cũng trong ngày 18-9, trong bối cảnh Pháp ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng vọt lên hơn 13.200 ca, Chính phủ nước này thông báo Bộ trưởng Kinh tế nước này là Bruno Le Maire cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông Maire không có biểu hiện mắc Covid-19, hiện tình trạng sức khỏe vẫn bình thường và ông vẫn có thể điều hành công việc từ nhà.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, IrelandHà Lan là những quốc gia châu Âu đã công bố các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tại Tây Ban Nha, chính quyền vùng Madrid cũng thông báo các biện pháp hạn chế mới, theo đó bắt đầu từ ngày 21-9, hoạt động di lại sẽ bị hạn chế ở 37 khu vực.

Thế giới có hơn 956 nghìn người tử vong do Covid-19 -0
Người dân Madrid (Tây Ban Nha) đeo khẩu trang bảo vệ trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters 

Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế về số lượng khán giả tham dự các sự kiện thể thao và các sự kiện khác.

Theo đó, kể từ ngày 19-9, giới hạn về số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao và các sự kiện khác sẽ được nâng lên hơn 5.000 người đối với những địa điểm tổ chức có sức chứa hơn 10.000 người. Các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn, trong đó có các trận đấu bóng đá và bóng chày, sẽ được phép tiếp nhận số lượng khán giả tối đa tương đương 50% số ghế của địa điểm tổ chức.

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản, khẳng định việc nới lỏng biện pháp hạn chế này là bước đi quan trọng hướng tới việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” thông qua việc khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngày 19-9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 14 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong ngày 18-9, đều là các ca nhập cảnh, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và không ghi nhận ca tử vong trong ngày.

Theo NHC, trong số các ca nhập cảnh mới có 6 ca ở tỉnh Quảng Đông (Guangdong), 2 ca ở thành phố Thượng Hải, 2 ca ở tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), 2 ca ở Thiểm Tây (Shaanxi) trong khi Liêu Ninh và Phúc Kiến (Fujian), mỗi nơi có 1 ca.

Như vậy, đến hết ngày 18-9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.269 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.634 ca tử vong, 80.464 bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Tại khu vực Đông - Nam Á, Philippines và Indonesia vẫn là hai quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, với hơn 3.000 ca ghi nhận trong ngày.

Đáng chú ý, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận số ca mắc mới tăng cao với 424 ca, đồng thời ghi nhận thêm 10 ca tử vong trong ngày do dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 12 giờ ngày 19-9 (giờ Việt Nam):

5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:

1. Mỹ: 6.925.941 ca mắc, 203.171 ca tử vong

2. Ấn Độ: 5.308.014 ca mắc, 85.625 ca tử vong

3. Brazil: 4.497.434 ca mắc, 135.857 ca tử vong

4. Nga: 1.091.186 ca mắc, 19.195 ca tử vong

5. Peru: 756.412 ca mắc, 31.283 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:

1. Philippines: 279.526 ca mắc, 4.830 ca tử vong

2. Indonesia: 236.519 ca mắc, 9.336 ca tử vong

3. Singapore: 57.543 ca mắc, 27 ca tử vong

4. Malaysia: 10.147 ca mắc, 129 ca tử vong

5. Myanmar: 4.621 ca mắc, 75 ca tử vong

6. Thái Lan: 3.500 ca mắc, 59 ca tử vong

7. Việt Nam: 1.068 ca mắc, 35 ca tử vong

8. Campuchia: 275 ca mắc

9. Brunei: 145 ca mắc, 03 ca tử vong

10. Lào: 23 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:

1. Châu Á: 9.227.891 ca mắc, 173.563 ca tử vong

2. Bắc Mỹ: 8.255.444 ca mắc, 296.959 ca tử vong

3. Nam Mỹ: 7.430.638 ca mắc, 235.849 ca tử vong

4. Châu Âu: 4.355.504 ca mắc, 215.504 ca tử vong

5. Châu Phi: 1.397.246 ca mắc, 33.677 ca tử vong

6. Châu Đại Dương: 30.381 ca mắc, 879 ca tử vong