Cảnh sát Australia ngày 18/9 đã bắt giữ gần 270 người tham gia các cuộc biểu tình không được phép diễn ra để phản đối biện pháp phong tỏa, trong đó có 235 người tại Melbourne và 32 người tại Sydney. Cảnh sát bang Victoria cho biết, 6 nhân viên đã yêu cầu nhập viện sau khi đụng độ với người biểu tình.
Khoảng 700 người đã tụ tập tại nhiều khu vực ở TP Melbourne trong khi chính quyền huy động khoảng 2.000 nhân viên để bảo đảm trung tâm thành phố gần như trở thành khu vực phong tỏa, thiết lập các trạm kiểm soát và rào chắn. Phương tiện giao thông công cộng và dịch vụ đi chung xe vào thành phố này cũng tạm ngừng hoạt động.
Tại TP Sydney, cảnh sát chống bạo loạn, đội tuần tra xa lộ... cũng được huy động xuống đường để ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người.
Từ giữa tháng 6 vừa qua, Australia bắt đầu ứng phó với đợt bùng phát dữ dội của biến thể Delta, trong đó TP Sydney, TP Melbourne và thủ đô Canberra đến nay đã trải qua nhiều tuần áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Ngày 18/9, nước này ghi nhận 1.882 ca mắc mới, chủ yếu tại TP Sydney.
Phần lớn các biện pháp hạn chế tại bang Victoria, bang New South Wales và thủ đô Canberra sẽ được duy trì cho đến khi ít nhất 70% người từ 16 tuổi trở lên được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, Australia có thể đạt được mục tiêu nêu trên vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Đa số người dân Australia ủng hộ chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp y tế cộng đồng, tuy nhiên, đôi khi vẫn xuất hiện lác đác một số cuộc biểu tình quá khích nhằm phản đối cách chính quyền ứng phó đại dịch.
Thủ tướng Anh Boris Johnson được kỳ vọng sẽ hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden khôi phục hoạt động đi lại giữa hai nước trong chuyến thăm Nhà trắng sắp tới. Chính quyền của ông Biden đã ban bố lệnh hạn chế đi lại do tốc độ lây lan đột biến của biến thể Delta. Các hãng truyền thông của Anh đưa tin, ông Johnson cũng sẽ gặp Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức cấp cao khác trong chính trường Mỹ vào tuần tới.
Sau hơn 18 tháng ứng phó với đại dịch, nhiều quốc gia đã quyết định mở cửa trở lại và áp dụng mô hình "sống chung với Covid-19". Hãng CNN đã liệt kê 5 quốc gia có chính sách mở cửa đáng chú ý, gồm: Đan Mạch, Singapore, Thái Lan, Nam Phi và Chile.
Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế còn lại từ ngày 10/9 vì cho rằng Covid-19 không còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội. Chìa khóa mở ra thành công của Đan Mạch một phần nằm ở chương trình tiêm chủng của nước này. Theo dữ liệu của Our World in Data, tính đến ngày 13/9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke trong tuần này cho biết, tỷ lệ lây nhiễm tại Đan Mạch hiện là 0,7, điều đó có nghĩa là dịch bệnh đang có chiều hướng suy giảm. Nếu tỷ lệ lây nhiễm cao hơn 1,0, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng trong tương lai gần.
Từ tháng 6 vừa qua, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch sống chung với Covid-19, kiểm soát các đợt bùng phát với sự hỗ trợ của vaccine, đồng thời tăng cường giám sát tình hình nhập viện hơn là áp đặt các biện pháp hạn chế.
Đến tháng 8, nhà chức trách bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ vào dùng bữa tại nhà hàng. Tuy nhiên, đợt bùng phát số ca mắc mới gần đây đã khiến chiến lược chung sống với Covid-19 của Singapore gặp trở ngại. Tuần trước, giới chức nước này cảnh báo có thể tái áp đặt biện pháp hạn chế nếu đợt bùng phát mới chưa được kiểm soát.
Bộ Y tế Singapore ngày 18/9 ghi nhận 1.009 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đà tăng số ca mắc mới sau khi chính quyền nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch đã buộc Singapore phải tạm ngừng triển khai các hoạt động tái mở cửa khác. Hơn 80% dân số trên đảo quốc này đã tiêm ngừa Covid-19.
Thái Lan dự kiến mở cửa Bangkok và các điểm đến nổi tiếng khác để đón du khách nước ngoài vào tháng 10 tới. Quyết định này cho thấy nỗ lực của Thái Lan trong việc khôi phục ngành công nghiệp du lịch bất chấp số ca mắc mới vẫn gia tăng. Theo đó, du khách đã được tiêm chủng đầy đủ và cam kết thực hiện cơ chế xét nghiệm sẽ được vào thủ đô Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai.
Tại Nam Phi, dù biến thể Delta vẫn là mối đe dọa nhưng các biện pháp hạn chế đang được nới lỏng dần. Lệnh giới nghiêm ban đêm được rút ngắn, có hiệu lực từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, quy mô của các đám đông được tăng lên 250 người (đối với sự kiện diễn ra trong nhà) và 500 người (đối với sự kiện diễn ra ngoài trời). Các hạn chế về bán đồ uống có cồn cũng được nới lỏng thêm.
Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba vẫn chưa kết thúc, nhưng Nam Phi hiện có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ người trưởng thành. Ông kêu gọi người dân tiêm vaccine và tuân thủ các biện pháp hạn chế để đất nước sớm trở lại bình thường.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người đủ điều kiện tiêm chủng tại quốc gia Nam Mỹ này đã tiêm đủ liều. Nước này cũng đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho người đã tiêm chủng đầy đủ. Ngày 15/9, Chính phủ Chile thông báo chuyển sang giai đoạn mở cửa đất nước trong mùa hè sắp tới đối với du khách quốc tế từ ngày 1/10.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 19/9 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 228.887.004 ca mắc, 4.698.870 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 73.944.406 ca mắc, 1,095,522 ca tử vong
2. Châu Âu: 57.540.037 ca mắc, 1.202.305 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 51.450.670 ca mắc, 1.045.699 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 37.529.161 ca mắc, 1.146.457 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.221.402 ca mắc, 206.310 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 200.607 ca mắc, 2.562 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 42.847.153 ca mắc, 691.335 ca tử vong
2. Ấn Độ: 33.447.010 ca mắc, 444.869 ca tử vong
3. Brazil: 21.230.325 ca mắc, 590.508 ca tử vong
4. Anh: 7.400.739 ca mắc, 135.147 ca tử vong
5. Nga: 7.254.754 ca mắc, 197.425 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 4.188.529 ca mắc, 140.323 ca tử vong
2. Philippines: 2.347.550 ca mắc, 36.583 ca tử vong
3. Malaysia: 2.082.876 ca mắc, 23.067 ca tử vong
4. Thái Lan: 1.462.901 ca mắc, 15.246 ca tử vong
5. Việt Nam: 677.023 ca mắc, 16.857 ca tử vong
6. Myanmar: 444.871 ca mắc, 17.016 ca tử vong
7. Campuchia: 103.482 ca mắc, 2.096 ca tử vong
8. Singapore: 76.792 ca mắc, 60 ca tử vong
9. Lào: 18.814 ca mắc, 16 ca tử vong
10. Brunei: 4.957 ca mắc, 26 ca tử vong