Thắt chặt tình hữu nghị quốc tế

Đối thoại hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề "Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển"được đánh giá sẽ tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương quốc tế với Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, đưa ra mô hình hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Đối thoại hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề "Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển" diễn ra từ ngày 2 đến 5/12.
Đối thoại hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề "Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển" diễn ra từ ngày 2 đến 5/12.

Đây là sự kiện quy mô lớn được thành phố tổ chức trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhằm thúc đẩy quan hệ với các thành phố trên thế giới, nhất là các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo 24 địa phương từ 12 quốc gia trên thế giới có quan hệ hữu nghị hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh: Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Belarus, Philippines…

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố hiện đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với 53 địa phương, trải rộng trên cả năm châu lục. Quan hệ hữu nghị hợp tác cấp địa phương của thành phố không ngừng được mở rộng về số lượng, tốc độ thiết lập và nội hàm hợp tác. Các hoạt động hợp tác được triển khai ngày càng đa dạng, mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần triển khai chính sách đối ngoại quốc gia và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Trong khuôn khổ hợp tác cấp địa phương, từ những lĩnh vực truyền thống là kinh tế, văn hóa, các hoạt động hợp tác được mở rộng dần ra các lĩnh vực như y tế, khoa học-kỹ thuật, quản lý đô thị, đào tạo nhân lực, môi trường, chuyển đổi số… Sự phát triển các quan hệ này đã phản ánh tính năng động, chủ động của thành phố; đồng thời, thể hiện rõ nét xu thế phát triển của quan hệ cấp địa phương hiện nay là thích ứng với các thách thức phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ.

Các hoạt động hợp tác cấp địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động qua hàng nghìn học bổng mà thành phố đã, đang dành cho cán bộ, công chức, sinh viên Viêng Chăn, Champasak, Sa-va-na-khet (Lào); chương trình hợp tác hiệu quả về bảo vệ môi trường với thành phố Osaka (Nhật Bản) về phát thải carbon thấp; hợp tác với thành phố Rotterdam (Hà Lan) về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến gần hơn với người dân các địa phương kết nghĩa thông qua nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa như Lễ kỷ niệm 90 năm ngày Bác Hồ đến Nga tại Saint-Petersburg (năm 2018); Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Aichi, Nhật Bản (năm 2018); Lễ hội Văn hóa Thế giới Gyeongju năm 2017 mà thành phố đã phối hợp tổ chức với tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc)…

Với ý nghĩa đó, các địa phương không chỉ hợp tác tốt với nhau khi thuận lợi, mà còn hỗ trợ nhau hết sức chân tình khi gặp khó khăn; trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua thông qua những bức thư, điện thăm hỏi và những hỗ trợ kịp thời bằng các vật dụng thiết yếu như: Khẩu trang, kit test, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị… từ Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào); thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), tỉnh Gyeongsangbuk, tỉnh Gangwon và thành phố Daegu (Hàn Quốc), tỉnh Vân Nam, Giang Tô (Trung Quốc), Leipzig (Đức), Saint-Petersburg (Nga)…, góp phần tiếp thêm sức lực và tinh thần cho thành phố trong những ngày tháng khó khăn nhất.

Đối thoại hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận các ý kiến, những đề xuất để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giao lưu, gắn kết nhân dân của đại diện các địa phương nước ngoài.

Đại diện thành phố Rotterdam (Hà Lan) cho biết: Hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh là điển hình của hợp tác Đông-Tây trong nỗ lực giải quyết những thách thức chung mà thế giới đang đối mặt như biến đổi khí hậu… Trong thời gian qua, Rotterdam đã sát cánh cùng Thành phố Hồ Chí Minh trên tinh thần hòa hợp với thiên nhiên, không phải chống lại thiên nhiên để ứng phó với thách thức tương đồng giữa hai thành phố là ngập nước.

Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Tsutomu Takebe cho biết: Qua việc tham dự đối thoại hữu nghị lần này, tôi được chứng kiến một Thành phố Hồ Chí Minh rất đẹp và rực rỡ, có những bước phát triển vượt bậc chỉ trong thời gian ngắn. Chúng tôi đánh giá cao cơ chế hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với địa phương các nước và hy vọng chương trình Đối thoại hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nâng tầm thành diễn đàn hữu nghị thế giới để tạo động lực phát triển và đóng góp cho hòa bình, hữu nghị khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Tôi ấn tượng về kết quả hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 24 địa phương quốc tế. Kết quả này minh chứng cho hợp tác hiệu quả và chứng tỏ sự tin tưởng, trưởng thành mạnh mẽ của thành phố trên trường quốc tế.

Tôi tin tưởng thành công của đối thoại hữu nghị lần này sẽ tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương quốc tế với Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, đưa ra mô hình hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Chúng tôi đánh giá rất cao sự kiện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị Đối thoại hữu nghị rất quan trọng này.

Hội nghị cho thấy sự đóng góp chủ động, tích cực và sáng tạo của thành phố trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó, có hoạt động hợp tác giữa các địa phương sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hữu nghị hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tích cực giữa Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung với các đối tác quốc tế.