Du lịch góp phần hình thành nhiều sản phẩm OCOP
Từ năm 2015, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu đẩy mạnh nhiều giải pháp để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, trong đó, tập trung khai thác tiềm năng bản địa về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa-tâm linh, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, tại huyện Tháp Mười, hàng chục năm qua, các cấp ủy, chính quyền, cùng bà con nhân dân chung tay thực hiện với nhiều giải pháp, cách làm mới mẻ.
Đến nay, ngành du lịch Tháp Mười đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng. Năm 2024, Tháp Mười thu hút 2.871.470 lượt khách, doanh thu khoảng 218.071 triệu đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay, Tháp Mười đón 6,1 triệu lượt khách; tổng doanh thu gần 615 tỷ đồng.
Năm 2024, Tháp Mười thu hút 2.871.470 lượt khách, doanh thu khoảng 218.071 triệu đồng. Lũy kế từ năm 2021 đến nay, Tháp Mười đón 6,1 triệu lượt khách; tổng doanh thu gần 615 tỷ đồng.
Hiện, toàn huyện có 10 cơ sở du lịch, mỗi cơ sở thu hút khoảng 700.000 lượt du khách mỗi năm.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển du lịch, Tháp Mười đã khai thác, hỗ trợ hình thành 46 sản phẩm OCOP, trong đó có 34 sản phẩm 3 sao và 12 sản phẩm 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, chia sẻ: "Du lịch là một trong những lĩnh vực chiến lược trong phát triển kinh tế của Tháp Mười. Việc gắn kết du lịch với chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả rất lớn, không chỉ tạo ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương được quảng bá rộng rãi mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chúng tôi luôn khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào chương trình OCOP và phát triển du lịch đồng thời xây dựng những sản phẩm chất lượng cao, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương".
Những năm qua, nhờ khai thác du lịch gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, huyện Tháp Mười đã phát hiện, khai thác, hỗ trợ phát triển những đặc sản, đặc trưng địa phương thành sản phẩm đạt OCOP.
Sen là một trong các sản phẩm điển hình. Trong 46 sản phẩm OCOP của toàn huyện, có đến 23 sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cây sen ở Tháp Mười, gồm: hạt sen tươi, củ sen, sen sấy bơ, các loại trà từ sen, sữa sen, nước uống đóng lon tinh chất sen,…
Theo thông tin từ các chủ thể, hiện có hàng chục sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang các thị trường như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),... Trong đó có 2 sản phẩm gạo, còn lại là những sản phẩm từ sen.
Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính cho biết: "Trước đây, gạo Chơn Chính ĐT 8 và gạo Chơn Chính ST25 chỉ được tiêu thụ trong khu vực, nhưng từ khi kết hợp với các tour du lịch sinh thái, sản phẩm của chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Những du khách khi tham gia các tour du lịch không chỉ thưởng thức món ăn từ gạo thơm mà còn mua sản phẩm mang về làm quà lưu niệm. Nhờ vậy, sản phẩm gạo Tháp Mười đã có thêm nhiều thị trường tiêu thụ mới và chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm".
Xây dựng sản phẩm OCOP thành “đại sứ” du lịch
Huyện Tháp Mười là một trong các địa phương thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kết quả tốt, hiện đứng tốp 4 trong 12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Để đạt được kết quả trên, ngoài nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, sự đồng thuận của các cấp, các ngành tại địa phương, chương trình OCOP còn nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.
Sản phẩm OCOP của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. |
Tính đến nay, 46/46 sản phẩm OCOP của Tháp Mười đều tham gia sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là tạo ra chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được ổn định, bền vững, hướng đến các thị trường trong và ngoài nước, thì việc xây dựng sản phẩm OCOP thành “đại sứ” du lịch là một chiến lược mang tính đột phá.
Để thực hiện mục tiêu này, đồng thời phát huy tiềm năng của những sản vật, đặc sản quê hương, mà nay được nâng tầm giá trị thông qua chứng nhận tiêu chuẩn OCOP, như gạo, các sản phẩm từ sen,… hiện ngành chức năng Tháp Mười đang cùng các chủ thể tập trung khai thác vai trò “đại sứ” du lịch, để mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện.
Và câu chuyện này không chỉ giúp sản phẩm trở nên sống động, có nét riêng, mà còn tạo ra sự kết nối cảm xúc, giúp du khách cảm thấy gắn bó và quan tâm đến sản phẩm cũng như giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, Tháp Mười sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp quan trọng khác như: tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch và sản xuất sản phẩm OCOP; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển mạnh mẽ các kênh truyền thông, quảng bá du lịch Tháp Mười và các sản phẩm OCOP, đặc biệt là qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội để tiếp cận đối tượng khách hàng rộng rãi hơn.
Rõ ràng, việc xây dựng sản phẩm OCOP thành “đại sứ” du lịch nói riêng, và việc gắn kết sản phẩm OCOP với phát triển du lịch đang là hướng đi giá trị, tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn; là yếu tố tạo sức hút, khơi dậy cảm hứng, thu hút du khách.
Đồng thời, đó cũng là hành động góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng ngành du lịch Tháp Mười phát triển bền vững.