Cuộc khủng hoảng nói trên xảy ra khi Hội đồng Tổng thống Libya, quản lý khu vực miền tây Libya, quyết định sa thải Thống đốc CBL Sadiq Al-Kabir vào tháng trước và thay thế bằng một hội đồng, khiến chính quyền ở miền đông quyết định phong tỏa toàn bộ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Libya.
CBL là cơ quan hợp pháp duy nhất quản lý nguồn doanh thu dầu mỏ của Libya và trả lương cho các công chức nhà nước trên cả nước. Nếu cuộc tranh giành quyền kiểm soát CBL kéo dài, các khoản lương của công chức nhà nước, hoạt động chuyển khoản giữa các ngân hàng và thư tín dụng cần thiết cho hoạt động nhập khẩu sẽ trở nên bất khả thi, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế và hoạt động thương mại quốc tế của Libya vào tình trạng đóng băng.
Giới phân tích cho rằng, việc sa thải Thống đốc CBL cho thấy tranh chấp ngày càng căng thẳng giữa các phe phái đối lập ở miền đông và miền tây Libya.
Các phe phái ở miền đông Libya, bao gồm Hạ viện Libya (HoR) và Quân đội quốc gia Libya, quyết liệt phản đối quyết định sa thải Thống đốc Al-Kabir và giữ nguyên quyết định phong tỏa các mỏ dầu ở miền đông, nơi tập trung phần lớn mỏ dầu ở quốc gia Bắc Phi. Việc phong tỏa các mỏ dầu sẽ làm cạn kiệt nguồn tiền của CBL, cũng như khiến các nhà máy điện phải ngừng hoạt động do thiếu nhiên liệu.
Ngay sau quyết định của chính quyền miền đông Libya, hoạt động khai thác dầu ở các mỏ lớn như Sharara với sản lượng 300.000 thùng/ngày, Sarir với 209.000 thùng/ngày, cùng hàng loạt mỏ khác đều bị đình trệ.
Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC), việc đóng cửa các mỏ dầu khiến tổng sản lượng dầu thô của quốc gia Bắc Phi này giảm 63%, xuống còn 591.000 thùng/ngày, so với con số 1,18 triệu thùng/ngày trước khi các mỏ dầu bị phong tỏa. Nếu hoạt động khai thác dầu mỏ, vốn mang lại nguồn thu ngoại tệ chính của Libya, bị gián đoạn kéo dài, nền kinh tế quốc gia Bắc Phi sẽ rơi vào khủng hoảng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya Abdulhamid Al-Dbeibah kêu gọi dỡ bỏ phong tỏa các mỏ dầu, nhấn mạnh các mỏ dầu của Libya không được phép đóng cửa với những lý do không rõ ràng.
Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Al-Dbeibah, Chủ tịch HoR Aquila Saleh tuyên bố lệnh phong tỏa đối với ngành dầu khí của nước này sẽ tiếp tục cho đến khi Thống đốc Al-Kabir được phục chức. Ông Saleh nêu rõ việc đóng cửa các mỏ dầu là biện pháp “bảo vệ tài sản của người dân Libya, cũng như bảo vệ tài nguyên quốc gia”.
Chủ tịch HoR nhấn mạnh quyết định của HoR về việc bổ nhiệm Thống đốc, Phó Thống đốc và Hội đồng Quản trị CBL được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời khẳng định ông Al-Kabir và Phó Thống đốc Marai Al-Barassi cần được phục chức để tiếp tục nhiệm vụ điều hành CBL.
Trước đó, HoR đã tiến hành bỏ phiếu tái bổ nhiệm ông Al-Kabir làm Thống đốc CBL và ông Al-Barassi làm Phó Thống đốc. Chủ tịch HoR cũng lưu ý việc bổ nhiệm Thống đốc CBL không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tổng thống Libya, cho rằng động thái này là vi phạm Hiến pháp và các thỏa thuận chính trị; nhấn mạnh việc bổ nhiệm Thống đốc CBL là thẩm quyền của HoR sau khi tham vấn Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya (HCS).
HoR và HCS đều được quốc tế công nhận theo thỏa thuận chính trị năm 2015, mặc dù hai cơ quan lập pháp này ủng hộ các phe khác nhau trong phần lớn cuộc xung đột ở Libya.
UNSMIL thông báo các cuộc tham vấn, với sự tham gia của đại diện từ HoR, HCS và Hội đồng Tổng thống Libya đã kết thúc. Các bên nhất trí đệ trình một dự thảo thỏa thuận để HCS và HoR xem xét, hoàn thiện trước khi ký kết chính thức.
Tin vui đến với người dân Libya khi HoR và HCS vừa đạt được đồng thuận và ký tuyên bố chung về vấn đề bổ nhiệm Thống đốc và Ban Giám đốc CBL. Tuy nhiên, 30 ngày đàm phán cho việc bổ nhiệm là khoảng thời gian khá dài trong bối cảnh hoạt động khai thác dầu mỏ ở Libya vẫn bị phong tỏa. Trong trường hợp tiến trình bổ nhiệm Thống đốc và Ban Giám đốc CBL gặp trắc trở, bóng ma khủng hoảng, thậm chí xung đột có thể quay trở lại, đe dọa chấm dứt giai đoạn tương đối yên bình kéo dài bốn năm qua tại Libya.