Ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

Thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế

NDO - Ngày 8-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 16. Các đại biểu QH nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 và thảo luận tại hội trường về báo cáo này.

Luật Bảo hiểm y tế bộc lộ nhiều hạn chế

Mở đầu phiên họp, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. Báo cáo cho biết, sau bốn năm thực hiện, Luật BHYT (có hiệu lực 1-7-2009) được đánh giá là một trong những đạo luật triển khai tương đối kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc đưa chính sách, pháp luật BHYT vào cuộc sống. Tính đến cuối năm 2012, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ số người tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có bốn tỉnh dưới 50% dân số tham gia BHYT, gồm Nam Ðịnh, Tây Ninh, Kiên Giang, Bình Phước. Một số đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ đạt thấp: Người lao động trong các doanh nghiệp đạt 54,7%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20-30%; học sinh, sinh viên (HSSV) mới đạt tỷ lệ 80%, trong đó sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, nhất là các trường tư có tỷ lệ tham gia thấp và vẫn còn khoảng 5% trẻ em dưới sáu tuổi chưa có thẻ BHYT. Người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua BHYT, từ tháng 6-2012 tăng lên 70% nhưng đến cuối năm 2012 mới chỉ có 25% đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia, có nơi tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt từ 2 đến 5%. Nhóm tự nguyện tham gia BHYT không tăng nhiều, chỉ đạt 28% (năm 2012), tại một số tỉnh tỷ lệ này rất thấp (dưới 10%)... Bên cạnh một số kết quả tích cực do thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa dịch vụ y tế tại các bệnh viện công đã phát sinh nhiều vấn đề, như: nhiều bệnh viện hình thành khu vực khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu, dành 5 đến 10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao, hình thành hai chế độ trong cùng một khoa như có hai đến ba người bệnh BHYT trên một giường bệnh, trong khi người bệnh KCB theo yêu cầu lại chỉ một người một phòng, có đầy đủ tiện nghi. Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện phần nào làm cho BHYT gặp khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ...

Về cơ bản, các tỉnh đã bố trí kịp thời ngân sách để mua BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHYT so với tổng số chi thường xuyên cho y tế hằng năm đã tăng từ 27% (2009) lên 33% (2012). Việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế được tiến hành đồng thời với việc chuyển dần cấp ngân sách chi thường xuyên cho bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua BHYT và lộ trình BHYT toàn dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số tỉnh nợ ngân sách hỗ trợ mua BHYT cho trẻ em, học sinh; gần hai phần ba số tỉnh chưa có nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho hộ cận nghèo tham gia BHYT...

Về việc quản lý, sử dụng quỹ và cấp, đổi thẻ BHYT, hiện nay, do một số vướng mắc về cách tính vượt quỹ KCB ở bệnh viện, định mức thanh toán giữa bệnh viện và cơ quan BHXH cho nên gây nợ đọng kéo dài giữa BHXH với bệnh viện, giữa bệnh viện với công ty dược tại một số tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, kết quả giám định BHYT cho thấy có tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT. Những vi phạm phổ biến đó là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc... Ðáng chú ý, tình trạng trùng thẻ BHYT ở các đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ xảy ra tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4 đến 5 thẻ BHYT). Giai đoạn 2009-2012, qua rà soát tại 42 tỉnh, thành phố đã phát hiện gần 800 nghìn thẻ BHYT cấp trùng, với số tiền ngân sách phân bổ khoảng 342 tỷ đồng...

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng đối tượng tham gia BHYT

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát của UBTVQH và cho rằng, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo các đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập từ công tác thông tin tuyên truyền, mở rộng đối tượng đến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của địa phương còn thiếu chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT. Thủ tục KCB BHYT còn rườm rà, việc đăng ký KCB ban đầu và phân tuyến kỹ thuật chưa phù hợp. Việc điều hành Quỹ BHYT chưa linh hoạt và kịp thời...

Vấn đề y đức cũng được nhiều đại biểu QH quan tâm. Theo các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) tình trạng hạn chế về chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, thủ tục hành chính phiền hà trong công tác KCB, y đức xuống cấp trầm trọng qua một số vụ việc xảy ra đã gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội, đã tác động tiêu cực đến việc khuyến khích người dân tham gia BHYT. Chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT hiện nay cũng làm nhiều đại biểu lo lắng. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc cung ứng và chất lượng BHYT, nhất là ở tuyến cơ sở còn hạn chế do yếu kém về nhân lực, chuyên môn. Việc phân tuyến kỹ thuật chuyên môn trong KCB chưa phù hợp với mô hình bệnh tật, dẫn đến người bệnh phải chuyển tuyến hoặc tự vượt tuyến. Mặt khác, về tâm lý của người bệnh cũng do thiếu tin tưởng vào năng lực KCB của y tế cơ sở nên thường vượt tuyến lên tỉnh, trung ương... Ðại biểu Nguyễn Thị Minh Phương (Cần Thơ) cho biết, hiện chỉ có 76% số trạm y tế có bác sĩ. Ðây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ đăng ký KCB BHYT tại tuyến trạm y tế còn thấp.

Một số ý kiến nhận xét, nguyên nhân của một số hạn chế, yếu kém là do Nhà nước chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT, có tình trạng xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT. Ðại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An), Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT còn nhiều bất cập, hình thức. Các ý kiến phát biểu cũng đề nghị cần nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện KCB BHYT...

PV

Ðại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội)

Cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn cho người dân

Ðề nghị Nhà nước cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tăng cường đầu tư để xây dựng cơ sở y tế, quy mô đầu tư xây dựng các bệnh viện cần tính đến yếu tố phát triển dân số. Ðể khắc phục tình trạng hai hệ thống giá trong khám, chữa bệnh (BHYT và theo yêu cầu), đề nghị Chính phủ đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 85 để hướng tới không phân biệt giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, tạo môi trường thuận lợi để cùng phát triển bình đẳng và cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn cho người dân.

Ðại biểu Nguyễn Minh Phương (TP Cần Thơ)

Giữ vững y đức trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn

Tai nạn nghề nghiệp không ai mong muốn nhưng đối với ngành y, những sai sót vừa qua làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Trong lĩnh vực y khoa, cần lấy sai sót của một người để làm bài học kinh nghiệm cho nhiều người và cả hệ thống, để không mắc phải sai lầm và cẩn trọng hơn trong nghề nghiệp. Không nên từ sai sót đó làm tổn hại đến nền y đức, sự thiêng liêng và uy tín của ngành y. Như vậy, sẽ không công bằng bởi chúng ta còn cả một đội ngũ thầy thuốc chân chính, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp y tế nước nhà trong giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn.

Ðại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)

Ngăn chặn việc trục lợi bảo hiểm y tế

Ðúng là có nhiều dạng thức trục lợi BHYT. Trước hết phải đề cập đến các hình thức lạm dụng quỹ BHYT, như tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường; không công bằng về chi trả quỹ BHYT cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng; chênh lệch về tần suất khám, chữa bệnh giữa các địa phương. Kê khai khống hóa đơn thuốc. Ðặc biệt là tình trạng cấp phát trùng thẻ BHYT với số lượng thẻ khá lớn. Theo số liệu của hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, số thẻ cấp trùng đã lên tới gần tám trăm nghìn thẻ, làm lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Ðại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai)

Khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập

Trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, còn nhiều bất cập như: thủ tục rườm rà, tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt, một bộ phận người dân không biết mình được hỗ trợ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách nhà nước... cho nên họ chưa hào hứng tham gia bảo hiểm y tế. Ðiều đó cho thấy mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân còn gặp không ít khó khăn...

Ðại biểu Pờ Hồng Vân (Lai Châu)

Các địa phương chủ động quản lý Quỹ BHYT

Cần phân cấp việc quản lý quỹ BHYT cho địa phương mạnh mẽ hơn; quy định cụ thể tỷ lệ giữ lại tại địa phương trong trường hợp kết dư quỹ BHYT và bảo đảm thực hiện phân bổ đúng, kịp thời. Còn việc sử dụng nguồn kết dư được trích lại vào mục đích phát triển y tế, khám, chữa bệnh hay đầu tư phát triển, mua sắm trang thiết bị thì giao cho địa phương tự quyết định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.