Nợ xấu gia tăng, thu hồi gặp khó
Nhận định về hoạt động các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trên toàn cầu và các nước trong khu vực vẫn còn nhiều bất ổn, điều này kéo theo hoạt động của các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nỗ lực sử dụng nguồn lực để xử lý rủi ro, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.
Lý giải về thực trạng khó khăn trong nợ xấu 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng đều cho rằng, có nguyên nhân từ những vướng mắc về mặt pháp lý dẫn đến hiệu quả công tác xử lý nợ xấu chưa cao, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng. Trong đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực đã tạo ra khoảng trống pháp lý, không có cơ chế cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, chính quyền địa phương và cơ quan công an không có cơ sở pháp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây.
Ông Ðỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) nêu thực tế: "Khi triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, bước đầu xuất hiện những hạn chế, khó khăn; một số quy định trọng tâm của Nghị quyết 42 không được luật hóa tại Luật Các tổ chức tín dụng làm hạn chế đến quyền của các chủ thể xử lý nợ, từ đó tác động đến phạm vi hoạt động cũng như hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu".
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, trong thực tiễn triển khai xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu còn xảy ra các vướng mắc liên quan đến xác minh nơi cư trú của bị đơn; phối hợp thực hiện kê biên, cưỡng chế tài sản bảo đảm; tạm đình chỉ giải quyết vụ án do khách hàng liên quan đến vụ án hình sự khác...
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu, ông Ðỗ Giang Nam kiến nghị sửa Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC theo hướng trao quyền quyết định cho Hội đồng thành viên VAMC. Cụ thể, VAMC được phép thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, cũng như đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được VAMC thu nợ theo mức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thay vì phải làm hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt. Ðồng thời, cho phép VAMC được tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng khi có đề nghị.
Bàn giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ, ông Nguyễn Văn Trình đề xuất Bộ Tài chính sớm hoàn thiện quy định về xây dựng thị trường mua bán nợ lành mạnh, thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ; xây dựng bộ tiêu chí, công thức định giá nợ xấu; quy định để việc thành lập, hoạt động của các tổ chức có chức năng thẩm định giá khoản nợ xấu; xây dựng chính sách ưu đãi miễn/giảm thuế đối với hoạt động mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tổ chức quản lý giám sát hoạt động của thị trường mua bán nợ.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu, nhằm phòng ngừa rủi ro nợ xấu. Ðồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai mạnh mẽ phương án cơ cấu lại, gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, bao gồm các giải pháp để tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ theo dõi việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (đã được kéo dài thời gian áp dụng đến ngày 31/12/2024), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.