Tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4

Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đang được cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc tích cực, khẩn trương. Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức đợt khảo sát về tình hình, tiến độ thực hiện dự án, qua đó kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở trong quá trình triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và đoàn công tác khảo sát tình hình, tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 4 và trục Tây Thăng Long. (Ảnh GIA HUY)
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và đoàn công tác khảo sát tình hình, tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 4 và trục Tây Thăng Long. (Ảnh GIA HUY)

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh dài 11,2km, đi qua năm xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, liên quan đến 2.700 hộ dân, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành giải ngân và bàn giao mặt bằng với diện tích 118ha/141,5ha (đạt 83,6%).

Hiện, công tác tuyên truyền vận động, kiểm đếm, rà soát cây trồng, tài sản, vật kiến trúc trên đất, phê duyệt phương án bồi thường, chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đã và đang được huyện tích cực triển khai.

Tại buổi khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đã nêu một số khó khăn, vướng mắc của huyện trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, trong những năm trước, một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định chủ đất và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích... Với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, huyện đề xuất, kiến nghị thành phố quan tâm chỉ đạo sớm có ý kiến giải đáp trong triển khai thực hiện.

Cùng với đó, huyện kiến nghị thành phố tiếp tục bố trí vốn 2.000 tỷ đồng trong năm 2023 và bố trí sớm để huyện chi trả đối với các trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường. Mặt khác, huyện kiến nghị thành phố xem xét, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách thành phố để huyện di dời, đầu tư xây dựng các trường học mới sau khi di dời một số trường để bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 4.

Tại huyện Đan Phượng, công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4 đang gặp khó khăn khi số lượng mộ nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng cần phải di chuyển lớn. Trong khi đó các nghĩa trang nhân dân tại các xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội đang trong quá trình chỉnh trang, mở rộng, cho nên việc sắp xếp, bố trí vị trí để di chuyển đến nghĩa trang mới gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện di chuyển mộ vô chủ chưa có hướng dẫn cụ thể.

Huyện tốn nhiều thời gian khi xác nhận hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp đối với một số cá nhân, hộ gia đình đứng tên sử dụng đất nhưng không thường trú tại địa phương, hộ có người đứng tên chủ sử dụng đất nhưng đã chết, không cử được người đại diện... Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tại buổi khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng đề xuất thành phố có cơ chế, quy định cụ thể tạo điều kiện cho người dân trong trường hợp đã tách khẩu khi thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ tiền, gạo và các trường hợp tái định cư diện tích thu hồi lớn, đã tách khẩu để nhân dân đồng thuận. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về việc di chuyển mộ vô chủ nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án.

Qua khảo sát, các địa phương đang gặp khó khăn chung khi thu hồi diện tích đất chéo, méo, khó canh tác, có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng. Các huyện đề nghị tăng tiền hỗ trợ với việc di chuyển mộ chưa cải táng; có giải pháp với gia đình có diện tích thu hồi đất ở lớn nhưng gia đình chưa tách hộ, tách thửa...

Tại các buổi làm việc, Đoàn khảo sát của Hội đồng nhân dân thành phố đã chỉ rõ một số hạn chế của các địa phương để sớm phối hợp với các sở, ngành đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố có giải pháp tháo gỡ. Đó là cho phép thu hồi đất chéo, méo, khó canh tác nằm ngoài chỉ giới để bảo đảm sau đầu tư tuyến đường được hoàn chỉnh đồng bộ cả về kỹ thuật, cảnh quan, cũng như thuận lợi cho quản lý.

Có mức thưởng tiến độ khi thực hiện các dự án phục vụ như mở rộng nghĩa trang; làm rõ việc vướng mắc đối với việc kiểm đếm mộ, việc xác định đơn giá bồi thường với mộ đã cải táng và chưa cải táng, mộ tổ... Đoàn khảo sát cũng lưu ý các sở, ngành, đơn vị quan tâm tới vấn đề hồ sơ pháp lý. Mặc dù tiến độ công việc gấp nhưng cũng cần làm rõ những vướng mắc trong thủ tục pháp lý về đất, danh mục thu hồi đất... để có đề xuất tháo gỡ kịp thời. Cùng với việc bảo đảm khối lượng công việc, các đơn vị cũng cần hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp tiến độ.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là dự án rất quan trọng của quốc gia. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của thành phố là “làm đâu được đó”, dứt điểm, vì vậy các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành của thành phố rà soát, kiểm đếm số liệu thật chuẩn xác, tiếp tục tập trung cao công tác tuyên truyền, vận động người dân, tạo đồng thuận đối với phương án di dời nơi ở, mồ mả nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Cần làm rõ nguyên nhân từng khó khăn để tham mưu với các cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ.