5 đoàn công tác do Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn làm việc tại Bảo hiểm xã hội 9 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh) kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các địa phương nhằm bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2021.
Các địa phương đạt yêu cầu về tiến độ giải quyết hỗ trợ
Báo cáo của các địa phương cho thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong hơn một tháng qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan để tổ chức, thực hiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết, không phát sinh thủ tục, hồ sơ để người lao động, người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ một cách sớm nhất.
Qua nắm bắt tình hình chung, người lao động cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cũng như sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với người lao động khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sự hỗ trợ đã phần nào giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Kết quả triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg tại một số tỉnh cụ thể cho thấy: Tại Hà Nội, đến 4/11, toàn thành phố đã có 84.384 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền giảm hơn 367 tỷ đồng trên Hệ thống quản lý Thu và Sổ thẻ; 1.207.881 người lao động được nhận hỗ trợ tiền với tổng số tiền hơn 2.900 tỷ đồng, đạt 74,3% số lao động thuộc nhóm nhận chính sách hỗ trợ.
Tại tỉnh Bắc Ninh, đến hết ngày 3/11, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thông báo giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với 5.876 doanh nghiệp, tương ứng với 375.872 người lao động với số tiền tạm tính hơn 289,66 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết hỗ trợ cho 281.633 người lao động, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 634,36 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bắc Giang, đến 1/11, đã giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 3.519 doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 165 tỷ đồng; giải quyết hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 182.023 người lao động, với tổng số tiền là 412,5 tỷ đồng...
Xây dựng kịch bản thích ứng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ
Tại các buổi làm việc với Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã báo cáo về tình hình triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia.
Qua báo cáo cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh bị tác động mạnh nên công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội các tỉnh luôn bám sát chỉ tiêu, kế hoạch được giao, chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả, nỗ lực triển khai công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời, tích cực vận dụng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố theo đặc thù của từng địa phương.
Trong 2 tháng cuối năm, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Trưởng các Đoàn công tác cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần linh hoạt hơn trong các giải pháp tăng thu, giảm nợ, phát triển đối tượng tham gia; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra dưới nhiều hình thức như gửi văn bản đôn đốc, cảnh báo, rà soát trên cơ sở dữ liệu điện tử, phối hợp liên ngành...
Đối với các tỉnh, thành phố còn lại, cần bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, xây dựng kịch bản thích ứng linh hoạt với tình hình ở địa phương, chú trọng truyền thông, tiếp cận, vận động trực tiếp người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý, từng cán bộ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, chiều 5/11, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, trong công tác truyền thông, vận động người tham gia, cần khẩn trương nghiên cứu Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để xây dựng các kịch bản phù hợp với từng vùng, từng cấp độ dịch; tập trung đẩy mạnh hình thức gọi điện thoại tư vấn trực tiếp, tổ chức hội nghị theo nhóm nhỏ, chú trọng hơn đến người dân vùng nông thôn...
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc yêu cầu tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, để chính sách này đến từng người dân, người lao động, thậm chí có văn bản gửi đến từng xã, thôn xóm, huy động sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp để mọi người lao động đủ điều kiện đều sớm được thụ hưởng gói hỗ trợ, từ đó góp phần giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tiếp tục tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tính đến hết ngày 7/11, kết quả triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 10.068.967 người lao động, trong đó có 9.414.354 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 654.613 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 23.965 tỷ đồng.
Trong đó, đại đa số được chi trả tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân. Theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, việc hỗ trợ phải hoàn thành muộn nhất vào ngày 31/12 với số tiền giải ngân dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ, với tốc độ giải ngân như hiện nay sẽ bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra.