Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản các tỉnh phía bắc là yêu cầu cấp bách

NDO -

Theo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 3430), hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương khu vực phía bắc tương đối thuận lợi do điều kiện thời tiết ổn định. Sản xuất lương thực - thực phẩm trong 7 tháng đầu năm 2021 và dự kiến kế hoạch trong những tháng cuối năm cơ bản bảo đảm nguồn cung trên thị trường.

Sản xuất lúa gạo ở các tỉnh phía bắc bảo đảm nguồn cung trong những tháng cuối năm.
Sản xuất lúa gạo ở các tỉnh phía bắc bảo đảm nguồn cung trong những tháng cuối năm.

Bảo đảm nguồn cung trong nước và xuất khẩu

Cụ thể, về lương thực, diện tích gieo cấy lúa năm 2021 ước đạt 2,303 triệu ha, sản lượng ước đạt 13,2 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân đã gieo cấy 1.086 nghìn ha, năng suất 63,6 tạ/ha, sản lượng 6,9 triệu tấn; vụ mùa và hè thu dự kiến gieo cấy 1.217 nghìn ha, năng suất dự kiến đạt 51,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 6,3 triệu tấn. Đến nay, các tỉnh đã gieo cấy xong hơn 90% diện tích, dự kiến xong trong tháng 8/2021 và cơ bản bảo đảm nguồn cung lúa gạo.

Sản lượng rau trong 5 tháng cuối năm dự kiến sản xuất khoảng 3,9 triệu tấn. Sản lượng cây ăn quả cả năm dự kiến 3,07 triệu tấn, đã thu hoạch khoảng 885.000 tấn trong 7 tháng đầu năm, các tháng cuối năm là thời điểm thu hoạch nhiều loại quả như ổi, nhãn, na, chuối và các loại cây có múi.

Về thủy sản, sản lượng có thể cung ứng ra thị trường trong các tháng cuối năm khoảng 563.834 tấn. Nhìn chung, với kết quả sản xuất trong 7 tháng đầu năm và kế hoạch, tiến độ sản xuất của các địa phương trong những tháng cuối năm sẽ bảo đảm cung ứng nông sản phục vụ tiêu thụ tại địa bàn, cung ứng cho các địa phương lân cận và phục vụ xuất khẩu trong điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, kéo dài, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực lao động để phục vụ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

Tập trung gỡ khó trong lưu thông, tiêu thụ

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Vũ Việt Anh cho biết, hiện sản xuất tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong vấn đề lưu thông. Nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ miền nam không vận chuyển ra bắc được, nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để tránh lây lan dịch bệnh.

Phần lớn kho hàng trung chuyển của các công ty cung ứng lớn đặt ở Hà Nội nên việc xe ra vào để lấy hàng mang đi các tỉnh cũng rất khó khăn. Việc vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh lân cận, nhất là Hà Nội vẫn còn hạn chế, nhiều xe phải tạm dừng vận chuyển do tăng chi phí và không đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp phép vào “luồng xanh”. Do việc vận chuyển bị ùn tắc, kéo dài thời gian vận chuyển nên việc duy trì các sản phẩm thủy sản tươi sống để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng là rất khó.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay các trái cây đang đến kỳ thu hoạch như na, nhãn rất khó đưa vào thị trường lớn như Hà Nội...  chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và các tỉnh lẻ nên tiêu thụ chậm và có giá bán thấp hơn so với các năm trước. Thương lái thu mua nông sản phải qua nhiều tỉnh, nhiều chốt kiểm dịch, chi phí phát sinh cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, giá vật tư phục vụ sản xuất như phân bón, con giống và thức ăn chăn nuôi, thủy sản ở mức cao (tăng hơn 20% so với cùng kỳ) đang gây khó khăn cho duy trì sản xuất và tái đàn vật nuôi.

Các tỉnh đều kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới. Phối hợp các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Riêng đối với Hải Dương có giải pháp tiêu thụ rau vụ đông tránh bị dư thừa, dồn ứ. Hỗ trợ xây dựng hệ thống kho lạnh trong chuỗi logistic và công nghệ tồn trữ nông sản cung cấp dần cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương, nhất là Hải Dương, Bắc Giang chủ động có kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, tập trung chỉ đạo sản xuất để bảo đảm tự cung tự cấp phục vụ tại chỗ, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm cho Thủ đô; duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo đảm các chỉ tiêu phát triển cao nhất, duy trì nguồn cung sẵn sàng cung ứng cho các địa phương lân cận. Thúc đẩy mạnh mẽ, có hiệu quả mô hình “3 tại chỗ” và ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động các phương án bảo đảm duy trì sản xuất an toàn.

Về kiến nghị của các địa phương, Bộ đã và đang phối hợp tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; cùng hiệp hội các nhà bán lẻ và một số tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn tại Việt Nam tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản vụ đông do dịch Covid-19. Kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông, các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ số hóa và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ.